Lệ làng cấm cửa nhà báo

Thật trớ trêu giữa xã hội hiện đại, văn minh này mà “phép vua” phải thua “lệ làng”!

 

Thông tin trên mặt báo cho hay là từ nhiều tháng nay cả trăm gia đình ở thôn Đắk Lộc, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa bị “hun khói” bởi nhà máy nguyên liệu thuốc lá trong khu công nghiệp gần kề.

 

Lệ làng cấm cửa nhà báo ảnh 1

Nhà báo có quyền hoạt động báo chí

 

Hay tin có cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương với bà con thôn Đắk Lộc về ô nhiễm môi trường, không bỏ lỡ cơ hội, nhà báo đến ngay “mục sở thị”.

 

Nhưng… thật không may. Sau khi xem xét kỹ thẻ nhà báo, bà chủ tịch ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phương yêu cầu nhà báo của tờ Thanh niên “ra ngay khỏi phòng họp”, không được dự cuộc đối thoại nóng bỏng này.

 

Vì sao vậy?

Bà chủ tịch xã nói: “Đây là cuộc đối thoại mà nội dung sẽ có nhiều vấn đề tế nhị và bí mật. Nhà báo muốn dự phải xin phép và phải được lãnh đạo chấp thuận”. Vậy, theo bà chủ tịch, nhà báo phải xin phép ai? Khi đã có thẻ nhà báo “thật” trong tay?

 

Luật Báo chí hiện hành ghi rõ: “Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Điều 4 của Luật cũng quy đinh: “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm dạnh dư, nhân phẩm của nhà báo, hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.” Xem ra cuộc đối thoại giữa dân và chính quyền để cùng hiểu, cùng sẻ chia, cùng giải quyết ô nhiễm môi trường ở khu dân cư thì đâu phải là “vùng cấm”? Xem kỹ thì bà chủ tịch đã vi phạm điều 4 của luật Báo chí là: “cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.” Thật trớ trêu giữa xã hội hiện đại, văn minh này mà “phép vua” phải thua “lệ làng”.

 

Nhân đây cũng nói thêm:

Mới đây nhóm chuyên gia thực hiện dự án “nghiên cứu truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) lấy ý kiến 72.000 bạn đọc qua 6 tờ báo trực tuyến, đồng thời khảo sát trực tiếp 384 nhà báo hoạt động trên tất cả các loại hình báo chí thì được kết quả là: 87,9% (327/384) nhà báo cho biết là đã từng bị cản trở khi tác nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau. Từ việc nhỏ nhất, “tế nhị” nhất là tránh mặt, viện lý do bận việc, bận họp đến tệ hại nhất, hèn hạ nhất là dùng cả lực lượng côn đồ “xã hội đen” làm hại nhà báo. Thực tiễn đã cho thấy các cung bậc từ nhỏ nhất đến nghiêm trọng nhất để cản trở nhà báo tác nghiệp như sau: Gây khó dễ - mua chuộc – gián tiếp ngăn chặn – thu giữ phương tiện tác nghiệp – phá hoại, tiêu hủy phương tiện hành nghề - đe dọa – giữ người – bôi nhọ - vu khống – tấn công – gây thương tích – trả thù – quấy rối tình dục.

 

Xem ra “lệ làng” của bà chủ tịch xã Vĩnh Phương đã “cấm cửa” nhà báo khi đang tác nghiệp theo Luật định !?

Theo VOV-M

Tin mới