Món ăn từ chùm ngây cải thiện sức khỏe mùa đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chùm ngây giàu dinh dưỡng, được dùng trong các món ăn để tăng cường sức khỏe trong mùa đông, tốt cho người bị viêm khớp, tăng huyết áp.

1. Lợi ích sức khỏe của lá chùm ngây

- Ngăn ngừa viêm khớp: Viêm là nguyên nhân gốc rễ của nhiều bệnh như ung thư, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp và nhiều bệnh tự miễn dịch. Đặc biệt, mùa đông, khí hậu lạnh là điều kiện thuận lợi làm khởi phát các bệnh lý xương khớp.

Chùm ngây chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp giảm viêm, từ đó hạn chế tình trạng viêm xương khớp.

- Giảm huyết áp: Chùm ngây có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ chống lại tác hại của các gốc tự do, nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường type 2, các vấn đề về tim và bệnh Alzheimer.

Hơn nữa, lá chùm ngây rất giàu vitamin C và beta-carotene có tác dụng chống lại các gốc tự do. Lá chùm ngây cũng có quercetin, một chất chống oxy hóa giúp giảm huyết áp. Huyết áp có xu hướng gia tăng trong mùa đông nên sử dụng chùm ngây có tác dụng tốt với sức khỏe.

r2-7161.jpg
Lá chùm ngây có nhiều công dụng với sức khỏe.

- Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu cao kéo dài dẫn đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường. Bệnh lý này có thể gây ra các vấn đề về tim và tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Thường xuyên sử dụng lá chùm ngây giúp ổn định lượng đường trong máu do sự hiện diện của isothiocyanate.

- Giảm cholesterol, bảo vệ gan: Ngoài yến mạch, hạt lanh và hạnh nhân, lá chùm ngây là một phương thuốc hiệu quả ngăn ngừa cholesterol cao. Cholesterol là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim và ăn lá chùm ngây đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện đáng kể mức cholesterol cao.

Hơn nữa, lá chùm ngây còn giúp đẩy nhanh quá trình sửa chữa các tế bào gan, ổn định men gan. Nguyên nhân do trong lá chùm ngây có hàm lượng polyphenol cao làm tăng nồng độ protein trong gan và chống lại quá trình oxy hóa gây hại cho gan.

- Cải thiện tiêu hóa: Bên cạnh đó, lá chùm ngây có tác dụng chống rối loạn tiêu hóa do có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi trùng và chứa hàm lượng cao vitamin B. Những người bị táo bón, đầy bụng, đầy hơi, viêm dạ dày và viêm loét đại tràng nên thêm lá chùm ngây vào chế độ ăn uống.

- Dưỡng da, tóc: Chùm ngây chứa chất chống oxy hóa cùng với vitamin A, E có tác dụng khắc phục tình trạng khô da, rụng tóc do thời tiết lạnh, khô trong mùa đông.

r1-392.jpg
Lá chùm ngây được trồng trong vườn của nhiều gia đình có tác dụng tốt cho dạ dày.

2. Chế biến món ăn từ chùm ngây

Chùm ngây còn có tên gọi khác là cây vạn năng, cây độ sinh, cây thần diệu, cây kỳ quan, cây cải ngựa, cây dùi trống, cây dầu bel. Chùm ngây có tên khoa học là Moringa Oleifera Lam (M. Pterygosperum Gaertn) thuộc họ chùm ngây - Moringaceae. Bộ phận dùng để chữa bệnh gồm cả rễ (củ) và toàn cây (lá, hoa, quả, hạt, vỏ cây).

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội đông y Hà Nội, ngoài việc sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến, suy nhược cơ thể, ổn định huyết áp, tăng cường sinh lý, dưỡng da, tóc... chùm ngây có thể chế biến thành món ăn hàng ngày có tác dụng tăng cường sức khỏe.

- Rau sống: Lá chùm ngây có thể trộn ăn sống như rau xà lách.

- Nấu canh: Lá chùm ngây 100g, thịt bò (hoặc thịt lợn) 50g, nấu canh ăn hoặc lá chùm ngây 100g, nấm hương 50g, nấu canh ăn.

- Nước sinh tố: Lá chùm ngây 20g, cà phê 02 muỗng, sữa vừa đủ, xay thành sinh tố uống.

Ngoài ra, lá chùm ngây phơi khô, tán bột có thể để được rất lâu mà không mất dinh dưỡng, sử dụng cho nhiều món ăn như cháo, bột dinh dưỡng trẻ em, bột bánh, pha nước uống.

3. Khi dùng lá chùm ngây cần chú ý gì?

Mặc dù có nhiều tác dụng, thường được coi là an toàn và lành mạnh đối với hầu hết mọi người, nhưng có một số tác dụng phụ cần lưu ý.

Với liều lượng lớn, lá, vỏ cây, rễ và quả chùm ngây có thể gây tiêu chảy nhẹ. Phụ nữ mang thai không nên dùng lá chùm ngây do rễ, vỏ cây và chất chiết xuất từ lá có thể gây co thắt tử cung. Trong một số trường hợp, bột lá chùm ngây được phát hiện có chứa lượng chì cao hơn mức cho phép được khuyến nghị nên cần thận trọng và lựa chọn sản phẩm có uy tín.

Không nên ăn chùm ngây vào bữa tối vì chùm ngây có thể gây mất ngủ. Những người dùng thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, thuốc trị đái tháo đường, thuốc huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc./.

Tin mới