Nâng cao trách nhiệm trong cung cấp thông tin cho báo chí

(Baonghean) - Để nâng cao vai trò của người phát ngôn và trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg (ngày 4/5/2013). Quy chế này có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây được xem là cơ sở quan trọng để các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí - một lĩnh vực mà lâu nay lãnh đạo một số địa phương, đơn vị xem nhẹ hoặc chưa thực hiện tốt theo yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền.

Hai năm nay, anh Nguyễn Minh Sâm - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin được giao nhiệm vụ là người phát ngôn của UBND huyện Nghi Lộc. Là một người hoạt bát, giao tiếp tốt với mọi người, anh Sâm không ngần ngại với công việc. Thế nhưng trong thực tế, có nhiều lúc, nhiều lĩnh vực diễn ra hàng ngày, với vị trí của mình, anh không thể bao quát hết được.

Thế là nhiều lúc cần phải trả lời nhà báo, anh đành “chuyển” đến những phòng chuyên môn khác. Nếu nhà báo hỏi về kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển đến phòng Nông nghiệp & PTNT; hỏi về kinh doanh, dịch vụ chuyển đến phòng Công Thương… Duy chỉ lĩnh vực văn hóa, thể thao anh phụ trách thì anh “phát ngôn” thuyết phục. Công việc cứ thế rồi cũng xong.

Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ khởi công nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An.

Thế nhưng, xem xét lại vai trò của người phát ngôn thì đúng chưa hoàn thành tốt. Bản thân anh Sâm nhận thấy như thế. Bởi lẽ, rất nhiều sự kiện diễn ra hàng ngày nhưng các phòng, ban chuyên môn hoặc ở cấp xã chỉ báo cáo lên chủ tịch hay phó chủ tịch huyện, còn không báo cáo cho người phát ngôn. Thế nên, người phát ngôn làm gì có thông tin mà cung cấp cho báo chí. Đó là chưa kể một số nội dung quan trọng mà chỉ lãnh đạo huyện họp bàn, định hướng mà người phát ngôn không có “vai vế” để tham dự.

Bất cập trên không chỉ riêng ở huyện Nghi Lộc, mà đó là thực tế của hầu hết ở các huyện, ngành khi cắt cử người phát ngôn không phải là người trong ban lãnh đạo. Trong số danh sách những người phát ngôn ở 70 đơn vị, địa phương đã đăng ký với Sở Thông tin - Truyền thông thì có 12 đơn vị, địa phương cử người phát ngôn là trưởng các phòng chuyên môn.

Cá biệt như Bảo hiểm nông dân tỉnh trước đây (nay nhập vào BHXH tỉnh), còn cử nhân viên phòng hành chính tổng hợp làm người phát ngôn. Còn ở 20 đơn vị, địa phương khác, đã cử Chánh văn phòng làm người phát ngôn. Điều này có thể chấp nhận được khi Chánh văn phòng là ủy viên UBND huyện hoặc là ủy viên HĐQT công ty, đơn vị. Mặc dù thế nhưng khi đặt vấn đề nắm bắt thông tin về các lĩnh vực trên địa bàn, người phát ngôn cũng thường “chuyển” phóng viên đến các phòng chức năng khác. Khó khăn đặt ra là khi các phòng, ban nhận nhiệm vụ làm việc với các phóng viên, nhà báo, họ thường chỉ cung cấp báo cáo, dẫn đi cơ sở; còn khi phóng viên đặt vấn đề phỏng vấn thì bị từ chối vì không phải người phát ngôn. Thậm chí có một số đơn vị, cá nhân còn ngần ngại khi tiếp xúc và cung cấp thông tin cho phóng viên, báo chí.

Từng tiếp cận và tác nghiệp ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phóng viên Đắc Lam, thường trú báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghệ An cho biết: “Có nhiều sự việc liên quan đến các sở, ban, ngành nội chính khi chúng tôi tiếp cận đã bị từ chối theo kiểu đang bận họp hoặc chờ thời gian làm rõ. Thế rồi có nhiều nơi để chúng tôi chờ cả tuần mà không có thông tin phản hồi, như vậy thì báo chí mất tính thời sự. Hay ở một số lĩnh vực tại các huyện có đơn vị quản lý ngành dọc ở tỉnh lại từ chối bằng cách là chờ báo cáo, xin ý kiến cấp trên rồi mới làm việc với phóng viên. Thậm chí, có huyện chúng tôi đặt vấn đề làm việc thẳng với chủ tịch thì lại bảo là đăng ký với văn phòng, khi chúng tôi hỏi văn phòng thì họ bảo đang xếp lịch… Tất nhiên, những sự việc diễn ra chúng tôi vẫn phải thông tin lên mặt báo. Nhưng những kiểu từ chối, né tránh như thế nhiều lúc làm cho phóng viên lỡ việc, thông tin mất tính thời sự”.

Như vậy, khó khăn không chỉ đến từ phía người phát ngôn mà với cả các phóng viên tác nghiệp. Sau khi rà soát, đánh giá quá trình thực hiện “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 và nhận thấy một số tồn tại, bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế mới, số 25/2013/QĐ-TTg thay thế, có hiệu lực từ 1/7/2013.

Xuất phát từ yêu cầu của công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí, Qui chế 25/2013/QĐ-TTg đã ban hành với mục tiêu giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, địa phương (Điều 5).

Theo đó, dù giao trách nhiệm hoặc ủy quyền cho người khác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của cơ quan cấp thông tin cho báo chí. Do đó, khi đã có phát ngôn chính thức từ người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm về thông tin do cơ quan mình cung cấp cho báo chí; Mở rộng người cung cấp thông tin cho báo chí gồm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; người được giao nhiệm vụ phát ngôn và người có trách nhiệm được người đứng đầu ủy quyền (Điều 2); Rút ngắn thời gian cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng nhanh nhất- chậm nhất là 1 ngày và định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 3, Điều 4); Quy chế mới cũng đề ra qui định xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đẩy đủ các quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 8). Đây là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin ở các đơn vị, địa phương và tăng thêm hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động.

Ông Hồ Quang Thành - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Lâu nay, việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa chặt chẽ. Một số lãnh đạo các ban ngành, đơn vị, địa phương còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Sở Thông tin và Truyền thông đang tham mưu cho tỉnh chỉnh sửa, bổ sung các quy định về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy chế mới, đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Ngành cũng sẽ nghiên cứu các chế tài theo Luật Báo chí và các quy định hiện hành để xử lý những đơn vị, địa phương vi phạm quy chế khi triển khai theo Quyết định 25/2013/QĐ - TTg”.

Nguyên Sơn

Tin mới