Nga muốn bán nốt 6 chiếc Su-30K, Việt Nam có nên mua lại?

Tờ Kommersant của Nga cho biết, Moscow đang tìm kiếm đối tác mua nốt 6 chiếc tiêm kích Su-30K còn lại sau khi thực hiện xong hợp đồng với Angola.

Như đã biết, Công ty xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga đã ký hợp đồng với Angola vào tháng 10/2013 về việc cung cấp 12 máy bay tiêm kích Su-30K qua sử dụng được Ấn Độ trả lại, toàn bộ số chiến đấu cơ trên đang nằm tại Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 trên đất Belarus và thuộc sở hữu của Tập đoàn Irkut.

Tiến độ đại tu đang diễn ra rất chậm chạp, phải đến tháng 2 năm nay chiếc Su-30K đầu tiên sau nâng cấp mới tiến hành bay thử, khả năng bàn giao đủ số lượng theo đúng hợp đồng với hạn chót là trong năm 2017 khó mà hoàn thành.

Chính vì vậy, mặc dù đã được phía Nga đề nghị mua nốt 6 phi cơ còn lại, Angola rất khó mà đồng ý, cho nên người Nga cũng đã chủ động đi tìm một đối tác mới, bất chấp việc Rosoboronexport tuyên bố rằng quá trình đàm phán chỉ là vấn đề thời gian.

Tiêm kích Su-30K đầu tiên được Nhà máy 558 sửa chữa tiến hành bay thử nghiệm
Tiêm kích Su-30K đầu tiên được Nhà máy 558 sửa chữa tiến hành bay thử nghiệm.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu Việt Nam có nên mua nốt số Su-30K trên để cấp tốc tăng cường lực lượng vì lúc này một vài đơn vị không quân đang trong tình trạng chưa đủ biên chế.

Sau khi chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn năm ngoái, đội hình Trung đoàn 923 đang bị khuyết một vị trí. Bên cạnh đó, Trung đoàn 925 cũng đang phải đưa 2 máy bay chiến đấu Su-27SK tới Nhà máy A32 "hội quân" cùng chiếc mang số hiệu 6005 để tăng hạn sử dụng, khiến số lượng sẵn sàng trực chiến giảm.

Việc bổ sung 6 tiêm kích Su-30K trên sẽ là giải pháp lấp đầy khoảng trống nhanh nhất, Việt Nam có lẽ cũng chẳng cần yêu cầu Belarus đại tu làm gì vì chúng ta đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sửa chữa lớn Su-27 (Su-30K hay còn gọi là T-10PK có cấu tạo và thành phần gần y hệt Su-27).

Thời hạn khai thác còn lại của Su-30K trước khi đến lúc bắt buộc phải đại tu ước chừng khoảng gần 10 năm, vừa đủ để toàn bộ số Su-27 trở lại biên chế, sau đó sẽ đến lượt chúng lên dây chuyền tăng hạn.

Nếu Nga vẫn giữ giá bán 15 triệu USD cho một máy bay hay thậm chí rẻ hơn thì việc Việt Nam cân nhắc mua lại cũng không phải ý tưởng tồi.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới