Ngã Sáu - một nẻo ký ức của thành Vinh

(Baonghean) - Nhà bác Đường ở đâu mạn Quán Bánh nhưng mỗi lần tôi theo mẹ ra ngã 6, đến hiệu sách tại đây vẫn thấy cái dáng người khắc khổ của bác đứng chênh vênh phía bên kia đường Quốc lộ 1A, gần bệnh viện thành phố. Chiếc xe đạp Thống Nhất, loại khung nam của bác phía trước buộc chiếc ghế trẻ em, cũng có khi thay bằng gá thồ hàng; phía sau xe, gác - ba - ga được lót bằng tấm đệm mỏng quấn chằng chịt dây chun. Mỗi lần nhìn thấy bác Đường, mẹ đều thở dài nói với tôi: “Cái ngã Sáu ni thật buồn. Không biết bác Đường còn đứng chờ đợi ở đây đến khi mô nữa”.
Ngã Sáu - điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và đường Lê Mao. Ảnh: sách Nguyễn
Ngã Sáu - điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và đường Lê Mao. Ảnh: sách Nguyễn
Thật lạ, không biết từ khi nào người dân thành Vinh hình thành thói quen xác định địa điểm bằng các ngả đường trên giao lộ. Tôi nghe người lớn nhắc về ngã Ba Quán Bánh, ngã Tư ga Vinh, rồi ngã Năm, rồi ngã Sáu. Chỉ cần nghe các ngã như thế người ta ngay lập tức hình dung về những gì quen thuộc tại đó. Với riêng tôi, tôi chỉ biết về ngã Sáu, nơi có hiệu sách quốc doanh, những: “Tấm Cám”, “Sự tích trầu cau”, “Cây tre trăm đốt”, “Chú bé có tài mở khóa", “Đất rừng phương Nam” hay: “Aladin và cây đèn thần”, “Alibaba và 40 tên cướp”… đều từ cái cửa hàng ấy mà ra. 
Hiệu sách tên ngã Sáu nằm ngay đầu cổng chợ. Ngôi chợ cũng được gọi là chợ ngã Sáu. Mỗi lần theo mẹ đi chợ, xe chưa kịp dừng tôi đã nhảy tót xuống, chạy một mạch vào hiệu đứng bên kệ sách. Vào cái thời mà miếng ăn, tấm áo vô cùng bấp bênh thì chẳng mấy người tìm đến với sách báo. Lâu lâu cô bán hàng mới phải động chân, động tay. Đó chủ yếu là khi lũ học sinh hỏi mua thước kẻ, mực viết. Hiệu sách thường vắng người, và ở đó tôi tha hồ chìm đắm trong thế giới cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Đôi khi, như một thói quen, từ cái cửa hàng nhỏ ấy tôi ngước nhìn sang phía bên kia góc phố. Đã thấy bác Đường chân thấp, chân cao trên chiếc xe đạp lênh khênh. 
Cái vóc người bác Đường vốn đã cao lại càng mảnh khảnh, gầy gò trong tấm áo bờ - lu - dông bộ đội đã bạc màu. Bác Đường là trung tá - sỹ quan quân đội về hưu. Lúc bấy giờ tôi không biết cấp bậc trung tá to đến cỡ nào, nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi luôn cho rằng bác ấy phải đứng đầu cả ngàn người, lập được hàng tá chiến công và hạ được hàng trăm tên địch. Ấy là tôi liên tưởng đến những năm tháng bác Đường tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lăn lộn trên khắp chiến trường. Còn lúc này điều mà tôi nhìn thấy là một bác Đường gầy gò, xanh xao ngày nào cũng gò mình trên chiếc xe đạp cũ để chở khách mưu sinh. Người miền Bắc vẫn thường gọi công việc của những người như bác là “xe đạp ôm” - một cái tên nghe mỹ miều và có vẻ mị dân. Còn người xứ Nghệ nói thẳng là “xe lai”  hoặc “xe đạp lai”. 
Nhiều người còn nhớ dân cư đô thị Vinh khổ như thế nào ở những năm 1984 - 1989. Thời điểm sau bắt tay vào  đổi mới, mọi biến động về kinh tế - xã hội trở nên bất ổn hơn bao giờ hết; gần như đẩy cuộc sống của cư dân vùng đô thị bên bờ vực của sự mất thăng bằng. Không còn bột mỳ, mỳ hột, người thành phố buộc phải ăn thẻo sắn, dây khoai. 
Một góc ngã Sáu hiện nay. Ảnh: Đào Tuấn
Một góc ngã Sáu hiện nay. Ảnh: Đào Tuấn
Và cha tôi - một cán bộ công an hay bác Đường - một sỹ quan quân đội khi vừa nghỉ hưu, chạm chân vào cuộc sống đời thường đã ngay lập tức phải lao vào cuộc chiến mới. Cuộc chiến để tồn tại vì gia đình và những đứa con. Tôi cứ buồn cười mãi cái hình ảnh cha tôi, bác Đường và vài người bạn cùng cảnh túm lại bên ngã Sáu, mông quần ông nào cũng chằng chịt đằn chỉ đen, chỉ trắng cứ như mang theo 2 chiếc ti vi, họ thậm thò, thậm thụt bàn tính kế hoạch làm ăn lớn mà “dân trong giới” gọi là “đánh quả”. “Đánh quả” hay “chitromach” tức là “chỉ - trỏ - mách” chẳng qua là một cách gọi khác của nghề môi giới, người ác khẩu thì gọi là “cò mồi”. Tôi không biết người lớn họ bàn bạc, toan tính, kiếm chác được gì, chỉ thấy mỗi lần cha trở về nhà thân xác rạc rời, đôi gò má nhọn hoắt.
Ngoài bác Đường, trong nhóm hay lui tới nhà tôi còn có chú Thi. Chú là nhân viên của lò mổ ở đâu mạn Bến Thủy, cũng vì không có việc, khổ quá mà phải lần hồi với việc chạy xe lai, rồi mon men gia nhập hội “đánh quả” hằng mong kiếm thêm nuôi vợ con. Nhưng rồi cũng chẳng có ai, kể cả cha tôi kiếm nổi một “quả” để  bữa cơm đỡ phần độn khoai sắn. Dẫu vậy trong khó khăn mọi người dường như yêu thương nhau hơn. Nhiều bận tôi thấy mẹ vẫn lẳng lặng xúc dăm bơ gạo rồi dúi vào tay chú Thi: “Đừng để các cháu bỏ bữa”. Với riêng bác Đường, là người nhẹ nhàng, chân thành, điềm đạm và tự trọng rất cao, không bao giờ nhận của ai bất cứ thứ gì. Bác đến nhà tôi dường như để tìm một tiếng nói, một câu chuyện, một miền ký ức nào đó của những người đã đi qua chiến tranh. Có lần bác xoa đầu tôi nói: “Cuộc sống mưu sinh đúng là không đùa cợt với ai cháu ạ!”. Tôi nhìn quanh, không hiểu lắm, cuốn truyện Aladdin tuột khỏi tay rơi giữa nền đất.
Tôi lớn lên cùng với sự thay đổi của ngã Sáu thành phố. Tại vùng đó từng là trung tâm điện ảnh, rạp chiếu bóng của tỉnh, là nơi có sự giao cắt của tuyến Quốc lộ 1A với đường đôi Lê Mao, lại nằm gần với Nhà Bạt (NVH Lao động) và Công ty May mặc Việt - Đức. Ngã Sáu hiện nay vẫn là khu vực trung tâm thành phố Vinh với sự có mặt của Công viên trung tâm lớn nhất xứ Nghệ. Cũng tại đây hình thành các trung tâm thương mại sầm uất; tuyến đường Lê Mao đã được nối dài cắt ngang Quốc lộ 1A để sang tận khu chung cư - đô thị mới thuộc phường Vinh Tân. Dáng dấp của một khu vực đô thị hiện đại, hài hòa trong không gian xanh đã khiến ngã Sáu trở thành một trong những nơi đẹp nhất của thành phố Vinh. Dẫu vậy, như một kẻ hoài cổ, mỗi lần ngang qua ngã Sáu tôi vẫn đưa mắt về góc phố ngày xưa. Thành thói quen mất rồi!
Đào Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới