Ngành Y tế Nghệ An quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 39 – NQ/TW

Ngành Y tế Nghệ An quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 39 – NQ/TW

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 39 – NQ/TW là phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Phát triển hệ thống y tế của thành phố Vinh trở thành hạt nhân của Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực.

Hoàn thành tốt các mục tiêu

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là một nghị quyết lớn, mang tính tổng thể trong việc chỉ đạo, điều hành mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng về lĩnh vực y tế, khi Nghị quyết ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã xác định y tế là một trong những lĩnh vực tiên phong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu và chỉ đạo quyết liệt.

thuc-hien-ghep-than-cho-benh-nhan-tai-benh-vien-huu-nghi-da-khoa-nghe-an-anh-thanh-chung-245.jpg
Thực hiện ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW, ngành Y tế Nghệ An đã cơ bản thực hiện tốt, thành công các mục tiêu, lộ trình mà Nghị quyết 26 -NQ/TW đề ra. Theo đó, ngành Y tế đã xây dựng được một mạng lưới y tế phát triển đồng đều, rộng khắp. Hệ thống y tế cơ sở với 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn ngày càng được củng cố, đầu tư nhiều hơn từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn. Y tế cơ sở đã rất chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng, chống dịch.

Hệ thống y tế tuyến huyện đã xuất hiện các mô hình bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế đa chức năng phát triển ổn định. Ngành cũng đã mạnh dạn sắp xếp mạng lưới y tế một cách phù hợp, tinh gọn, như sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế huyện; mạnh dạn giao tự chủ cho các đơn vị khám, chữa bệnh.

Ở tuyến tỉnh, các bệnh viện đa khoa, chuyên sâu và cả hệ thống y tế tư nhân cũng phát triển rất rầm rộ. Toàn tỉnh có 13 bệnh viện tuyến tỉnh; 7 bệnh viện đa khoa cấp huyện; 21 trung tâm y tế tuyến huyện, thành, thị; 16 bệnh viện tư nhân… Trong đó, có nhiều đơn vị được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ và kỹ thuật khép kín. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã được công nhận là bệnh viện tuyến cuối của khu vực. Các bệnh viện: Ung bướu, Sản Nhi, Y học cổ truyền Nghệ An cũng đang đi trên lộ trình này.

chao-don-tre-dau-tien-ra-doi-bang-phuong-phap-thu-tinh-ong-nghiem-tai-nghe-an-2310.jpg
Chào đón trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Hoàng Yến

Toàn tỉnh có 17 đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo chi thường xuyên và 1 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Qua đó, đã tiết kiệm ngân sách Nhà nước được hơn 300 tỷ đồng và tinh giản hàng ngàn biên chế. Điều quan trọng hơn cả là các đơn vị khám, chữa bệnh đã tìm được hướng đi để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
Ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành và đạt được những chỉ tiêu chính của Nghị quyết 26-NQ/TW. Cụ thể, Nghệ An đã đạt 37,36 giường bệnh/vạn dân, 12,6 bác sĩ/vạn dân. Đây là chỉ tiêu Nghệ An đứng đầu khu vực. Ngoài ra, các tỷ lệ khác cũng đạt kết quả khá tốt, như: 92,8 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 14,3%; 93,04% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Trong phát triển kỹ thuật, Nghệ An đã đạt được 3 mục tiêu hết sức quan trọng để trở thành trung tâm y tế của khu vực, đó là: Xây dựng được Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An), Trung tâm Xạ trị (Bệnh viện Ung bướu); thực hiện được kỹ thuật ghép tạng (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã triển khai thực hiện lấy ghép tạng từ người hiến chết não thành công)…Nhiều kỹ thuật cao khác cũng đã được phát triển thành công như: Mổ tim hở, can thiệp mạch, ghép tế bào gốc, lọc máu ECMO.

Ngoài ra, ngành Y tế đã chủ động thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính một cách mạnh mẽ. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã áp dụng mô hình bệnh viện thông minh với bệnh án điện tử, hệ thống kết nối dữ liệu hình ảnh, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa, tiếp đón người bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế... tạo sự thuận lợi cho người bệnh.

Hạt nhân trung tâm y tế chuyên sâu

bna-thuc-hien-xa-tri-cho-benh-nhan-ung-thu-o-benh-vien-ung-buou-nghe-an-anh-tu-lieu-tu-thanh-1697.jpg
Thực hiện xạ trị cho bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh Tư liệu: Từ Thành

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW, ngày 18/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Nghệ An được xác định là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ, thành phố Vinh đóng vai trò hạt nhân...Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tháng 8/2023, ngành Y tế Nghệ An đã kịp thời tham mưu đề xuất cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các văn bản chỉ đạo; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Ngành Y tế Nghệ An đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi; tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đạt 15 bác sĩ; tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân đạt trên 50 giường... Phát triển hệ thống y tế của thành phố Vinh trở thành hạt nhân của Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó, phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối, cụ thể: Phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An thành bệnh viện hạng đặc biệt; thành lập Trung tâm Ghép mô - tạng trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Nâng cấp và phát triển Trung tâm các bệnh nhiệt đới, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thành Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Tim mạch.

Phát triển chuyên khoa chuyên sâu tại những bệnh viện: Ung bướu, Sản Nhi, Phổi để xây dựng các bệnh viện trở thành tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ. Phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Đa khoa Y Dược cổ truyền và trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ. Xây dựng Trung tâm Huyết học - Truyền máu thành Bệnh viện Huyết học - Truyền máu. Phấn đấu đến năm 2035, phát triển các bệnh viện chuyên khoa: Nội tiết, Mắt, Chấn thương - Chỉnh hình trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ”.

benh-vien-duoc-bo-y-te-cong-nhan-la-benh-vien-tuyen-cuoi-ve-chuyen-mon-ky-thuat-kham-chua-benh-khu-vuc-bac-trung-bo-anh-thanh-cuong-2529.jpg
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Phát triển công nghiệp dược và vật tư y tế theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng cơ sở sản xuất thuốc trên địa bàn tỉnh, phấn đấu có cơ sở sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương. Hình thành và phát triển mô hình nuôi trồng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc - GACP”. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh Nghệ An thành Trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.

Song hành cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 39, ngành Y tế Nghệ An cũng đồng thời thực hiện Chỉ thị 25 CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là một nhiệm vụ rất lớn khi mà ngành Y tế Nghệ An gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép; già hóa dân số nhanh; hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị chưa được giải quyết triệt để; việc thực hiện tự chủ ở các bệnh viện, trung tâm y tế còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bài toán nhân lực; y tế cơ sở, y tế dự phòng cần được đầu tư nguồn lực.

bna-anh-thanh-chung-5-8590.jpg
Lãnh đạo ngành tế Nghệ An thăm, tặng quà cho trẻ đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: “Trong thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An mong muốn các cấp, bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực giúp ngành Y tế phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, chính sách của ngành để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân…Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, lãnh đạo ngành Y tế kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành “Đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, hiệu quả”, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra”.

Xây dựng Nghệ An thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết số 39 – NQ/TW, ở thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; triển khai hiệu quả chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương, tăng cường công tác tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật mới…Về phía tỉnh cũng đã và đang phối hợp tham gia thu hút các nhà đầu tư về địa bàn để phát triển công nghiệp dược và vật tư y tế./.

Tin mới