Nghệ An: 10 năm không tuyển được bác sĩ về vùng sâu, vùng xa

(Baonghean.vn) - Giải trình với đoàn khảo sát HĐND tỉnh về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh còn thấp, Sở Y tế Nghệ An cho biết: hơn 10 năm nay, Sở này không tuyển được bác sỹ về vùng sâu.

Chiều 31/3, Đoàn khảo sát Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) có buổi làm việc với đại diện các Sở Y tế, Sở Lao động thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi cục dân số-KHHGĐ về việc thực hiện các chính sách y tế, dân số trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh. Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Trong giai đoạn 2014-2016 đã có hơn 2,4 triệu lượt người nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp BHYT với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều lúng túng dẫn đến xảy ra một số tình trạng như: in, cấp thẻ BHYT chậm; cấp trùng, cấp sai thẻ BHYT.

Giải thích về việc cấp chậm, ông Lê Công Thuý, Trưởng phòng BHXH, Sở Lao động đưa ra một thực trạng: “Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế-Bộ Tài chính về việc thực hiện cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng “người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” thì cấp miễn phí 100% thẻ BHYT. Nhưng trên thực tế, một số thôn, bản thuộc những xã miền núi khó khăn này lại được công nhận thoát khỏi diện nghèo. Khi đối chiếu với quy định thì những người dân ở các thôn, bản trên lại chưa đủ điều kiện để thụ hưởng chế độ. Vậy, đối với những trường hợp như vậy thì tiếp tục cấp hay không cấp? Đây là một vấn đề khó khăn và còn nhiều lúng túng”.

Buổi làm việc của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với các Sở, ngành. Ảnh:Mỹ Nga
Buổi làm việc của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với các Sở, ngành. Ảnh:Mỹ Nga

Cũng liên quan tới việc cấp, phát thẻ BHYT, bà Lê Thị Dung, Phó Gíam đốc, BHXH tỉnh cho biết, trong năm 2016 đã cấp 231.981 thẻ BHYT cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi. Tuy nhiên, quy trình cấp và quản lý thẻ BHYT không có ảnh, đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số không có giấy tờ tuỳ thân dẫn đến khó quản lý đối tượng và gây khó khăn cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, đang có sự trùng lặp khi cấp phát thẻ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều người vừa thuộc nhóm đối tượng hộ nghèo, vừa là các đối tượng chính sách khác nhau như: người cao tuổi, người có công với Cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội… Trong khi đó, trang thiết bị và phần mềm ứng dụng để thực hiện việc lọc dữ liệu ở các cơ sở địa phương còn hạn chế, dẫn đến việc rà soát tránh việc trùng, lặp còn gặp nhiều cản trở.

Về việc đưa các dịch vụ y tế tới các vùng sâu vùng xa, toàn tỉnh hiện có 480/480 trạm y tế xã, với đầy đủ cơ sở vật chất y tế. Trong đó, 82% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hàng năm, Sở Y tế tỉnh tổ chức hơn 20 lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tuyên truyền các chính sách, chế độ y tế cho cán bộ y tế xã, thôn, bản và người uy tín tại cộng đồng. Hiện nay, hơn 96 % cán bộ y tế đã được cập nhật kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại trạm y tế xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Nga
Đoàn khảo sát Ban Dân tộc (HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại trạm y tế xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Nga

Bệnh nhân thuộc đối tượng nghèo đều được hỗ trợ tiền ăn/bệnh nhân/ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định hỗ trợ một phần kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số đã được triển khai tích cực. Đến nay, đã gần 3000 phụ nữ dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách này với số tiền trên 5,9 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc giải trình ý kiến của đoàn khảo sát về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh còn thấp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở Y tế Nghệ An cho biết, hơn 10 năm nay, Sở Y tế không tuyển được bác sĩ về các bệnh viện cũng như các trạm y tế ở các huyện miền núi xa xôi. Để đảm bảo khối lượng công việc, buộc Sở phải tuyển bác sĩ trung cấp, rồi tạo điều kiện cho đi học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Chăm sóc bệnh nhân tại Phòng Hồi sức Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang
Chăm sóc bệnh nhân tại Phòng Hồi sức Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Giang

Về ý kiến các trạm y tế cơ sở chưa phát huy hết chức năng cũng như hiệu suất khám, chữa bệnh cho nhân dân, đại diện Sở Y tế giải thích rằng: “Từ khi chế độ BHYT áp dụng thông tuyến cấp xã và huyện, số lượng người dân đến khám, chữa bệnh ở các trạm y tế ít đi. Do người dân sẵn sàng bỏ qua tuyến xã, và đi thẳng lên tuyến huyện. Vì vậy, hiện nay, hầu như các trạm y tế cơ sở chỉ thực hiện chức năng phòng bệnh cho nhân dân”. Theo ông, cơ chế thông tuyến của BHYT một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng mặt khác, công tác theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở trạm y tế gặp nhiều khó khăn hơn.

Kết thúc buổi làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân đề nghị các Sở, ngành cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vùng miền núi; phối hợp chặt chẽ  trong việc quản lý các số liệu, việc cấp phát thẻ BHYT; chủ động trong việc phổ biến các chính sách về y tế, dân số cho người dân, tránh tình trạng làm mất đi quyền lợi của người được thụ hưởng chính sách.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới