Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến một số nội dung quan trọng; Siêu bão Noru đi vào Biển Đông, Nghệ An rốt ráo bảo vệ sản xuất vụ đông và gấp rút thu hoạch thủy sản chạy bão… là những nội dung đáng chú ý được đăng tải trên Baonghean.vn ngày 26/9.

* Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ước giải ngân đến ngày 30/9, cả nước đã giải ngân được 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch giao; 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 25 tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thuộc 3 nhóm: khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện và khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Đối với Nghệ An, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đã giải ngân là 4.159,55 tỷ đồng/kế hoạch, đạt 38,93%. Nếu không tính nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả giải ngân của tỉnh đạt 44,3%, trong đó nguồn ngân sách Trung ương đạt 42,41%.

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương những tháng cuối năm dành thời gian ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

* Chiều 26/9, tại TP. Vinh, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9/2022. Tại cuộc làm việc, qua thảo luận, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh tổ chức Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh) vào tháng 10/2022 để xem xét thông qua phương án phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung khác do UBND tỉnh trình; đồng thời nêu một số ý kiến liên quan đến tiến độ công tác chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết trình các kỳ họp trong năm của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình; đánh giá kết quả hoạt động tháng 9, định hướng, thống nhất nhiệm vụ tháng 10 năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9/2022 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9/2022 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

* Sáng sớm nay (26/9), siêu bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17. Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng – thủy văn, bão Noru là một trong những cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta trong vòng 20 năm qua. Địa bàn tỉnh Nghệ An mặc dù không chịu tác động trực tiếp của bão, nhưng nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn, nước dâng, nguy cơ sạt lở cao do hoàn lưu bão. Vì vậy, không được phép chủ quan.

Hướng đi của bão số 4. Ảnh: TTDBKTTV Quốc gia
Hướng đi của bão số 4. Ảnh: TTDBKTTV Quốc gia

* Trước diễn biến rất đáng lo ngại của của cơn bão số 4, chiều 26/9, tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 21/CĐ-UBND về việc cấm tàu thuyền ra khơi. Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17 giờ, ngày 26 tháng 9 năm 2022.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Tiến Đông

Tàu thuyền neo đậu tại cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Tiến Đông

* Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hoàn thành thu hoạch lúa hè thu và đang triển khai sản xuất vụ Đông theo đúng tiến độ, kế hoạch. Trước thông tin bão Noru, dự báo mưa lớn sau hoàn lưu bão, để bảo đảm an toàn cho cây trồng vụ Đông, các địa phương đã rốt ráo chỉ đạo các phương án ứng phó.

Vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.430 ha cây trồng các loại. Đến nay, nhiều địa phương đã bám lịch thời vụ, xuống giống các loại cây trồng theo cơ cấu. Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, bám sát tình hình để có phương án ứng phó cụ thể; đồng thời, lên kịch bản bổ cứu sản xuất vụ Đông nếu xảy ra mưa to, ngập lụt, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Che chắn những diện tích vừa xuống giống. Ảnh: Thanh Phúc

Che chắn những diện tích vừa xuống giống. Ảnh: Thanh Phúc

* Nhiều khả năng hoàn lưu bão Noru sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, trước tình hình đó, các chủ đầm tôm trên địa bàn Diễn Châu, TP.Vinh đang gấp rút thu hoạch tôm chạy bão.

Người dân xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu gấp rút thu hoạch tôm vụ 2 trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Q.A
Người dân xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu gấp rút thu hoạch tôm vụ 2 trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Q.A

* Tính đến tháng 9/2022, thu tiền đấu giá đất ở Diễn Châu đạt hơn 772 tỷ đồng. Số thu này kéo số thu ngân sách 9 tháng đầu năm của Diễn Châu lên cao kỷ lục.

Báo cáo của huyện Diễn Châu cho thấy: Đến tháng 9/2022, huyện đã tổ chức đấu giá tại 16 xã là Diễn Quảng, Minh Châu, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Liên, Diễn Mỹ, Diễn Vạn, Diễn Lợi, Diễn Xuân, Diễn Phú, Diễn Phong, Diễn Lâm, Diễn Nguyên, Diễn Liên, Diễn Hùng. Kết quả được 424 lô, diện tích 92.454,59 m2, tổng số tiền trúng đấu giá 772,1 tỷ đồng.

Một khu đô thị ở Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An
Một khu đô thị ở Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Tin mới