Người anh hùng xứ Nghệ trên con tàu không số huyền thoại

(Baonghean) - Người xứ Nghệ luôn tự hào về ông- người anh hùng của Đoàn tàu không số, người đã cùng đồng đội của mình góp phần làm nên những huyền thoại đẹp về con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông là Phạm Xuân Hương- quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An, người thợ máy trên chiếc tàu không số 154 huyền thoại. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, 23/10 (1961-2011), chút cảo thơm về ông xin lần giở.  
 
Năm 1964, khi vừa mới đang học năm thứ hai của Trường Hàng hải, sinh viên trẻ Phạm Xuân Hương đã tình nguyện tham gia quân đội. Sau một thời gian ngắn huấn luyện, anh cùng với 30 đồng đội của mình vinh dự được biên chế vào Đoàn 125. Tháng 10-1964, người con của quê hương xứ Nghệ xuống tàu 154 đi chuyến đầu tiên. Tàu 154 là loại tàu 100 tấn, vỏ sắt hai đáy do xưởng 3 Hải quân đóng. Để đảm bảo bí mật, tất cả cán bộ, chiến sỹ trên tàu đều mang bí danh. Tàu ra tới hải phận quốc tế giả làm tàu đánh cá. Trên tàu gài thuốc nổ với 4 hệ thống phá tàu. Trên tàu có 42 cán bộ chiến sỹ, thuyền trưởng là đồng chí Đinh Đạt người Quảng Ngãi (đã hy sinh), chính trị viên Nguyễn Văn Đức người Bến Tre. Tàu chở các loại vũ khí như tiểu liên, súng trường và tên lửa bộ binh… tất cả được giấu dưới đáy tàu thứ nhất. Trong đáy tàu thứ hai dùng ngư lưới cụ nguỵ trang súng 12 li 7, ĐKZ, bom chìm, khói mù để sẵn sàng chiến đấu.
 
Tất cả cán bộ chiến sỹ đều ăn bận đồ bà ba. Chuyến tàu chở hơn 70 tấn vũ khí chỉ mất gần 1 tuần từ Hải Phòng vào đến bến Rạch Gốc, Cà Mau một cách an toàn. Chuyến tàu đầu tiên này cũng là chuyến tàu khó quên đối với người chiến sĩ trẻ Phạm Xuân Hương, bởi trên tàu lúc đó có đồng chí Lê Đức Anh cùng 2 cán bộ cao cấp khác. Đây là những đồng chí đi cùng Đoàn tàu không số để vào miền Nam công tác. Về sau này, khi đồng chí Lê Đức Anh giữ cương vị cao trong Quân đội và Nhà nước, Phạm Xuân Hương mới nhận ra đó chính là người đã đi cùng chuyến tàu không số với mình năm xưa.
 
Chiến tranh đã đi qua 36 năm trời, những người chiến sĩ của Đoàn tàu không số năm xưa người còn, người mất. Nhưng những kí ức, những kỷ niệm về những chuyến đi như trong cổ tích của những con tàu không số năm xưa thì vẫn hằn trong tâm can của những người còn sống. Riêng ông Hương giờ đã vượt qua cái ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những chuyến đi của ông trên những con tàu không số cách đây gần 50 năm thì như chỉ mới hôm qua, hôm kia mà thôi.
 
Ông Hương bồi hồi nhớ lại: ...Bắt đầu từ những năm 1965-1966, những chuyến đi của các đoàn tàu không số gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Bởi lúc này, con đường vận tải vũ khí, thuốc men và các quân trang, quân dụng khác của ta trên biển từ Bắc vào Nam đã bị địch phát hiện, bao vây phong tỏa và gây ra những tổn thất không nhỏ cho ta. Nhất là vào năm 1968, để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, 4 con tàu 165, 56, 43 và 235 rời bến K15 ở Đồ Sơn hành trình vượt biển. Chuyến đi này, 4 tàu vũ khí của ta đã phải chống lại sự bao vây, đánh phá ác liệt của địch, nhiều chiến sỹ ta hy sinh …Trước tình hình đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lực lượng thăm dò, khảo sát để mở một cung đường mới trên biển. Đến giữa năm 1969, cung đường mới được hình thành. Và lập tức, ngày 4/9/1969, con tàu 154 lại tiên phong vượt biển trên cung đường mới. Chuyến đi này, tàu 154 chở gần 75 tấn vũ khí vào đến miền Nam thành công. Thành công là niềm vui, hạnh phúc lớn không chỉ của quân và dân miền Nam, mà còn của các chiến sĩ đoàn tàu không số. Ông Hương nhớ mãi giây phút tàu cập bến, anh em chiến sĩ cùng đồng bào ôm nhau trong nước mắt vui mừng.
 
Những chuyến đi nối tiếp chuyến đi. Sau chuyến đi vào tháng 9-1969 thành công, ông Phạm Xuân Hương lại tiếp tục cùng tàu 154 thực hiện chuyến vượt biển khác. Đó là chuyến đi vào tháng 10/1970. Những chuyến đi trước, cung đường cũ trên biển cách bờ biển chưa đến 100 hải lý, còn cung đường mới này cách gần 500 hải lý, phải đi qua nhiều vùng biển quốc tế để tránh bị địch phát hiện. Thời gian đi-về vì thế mất nhiều hơn và vất vả hơn, thế nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn quyết tâm cao, nhất định phải chuyển được vũ khí đến cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Đúng thời điểm mưa gió, sóng biển lớn cho nên bình thường, các tàu cập bến vào thời gian từ 12h đêm đến 2h sáng, thế nhưng, chuyến đi lần này, đến 3h sáng, tàu vẫn chưa định hình được bến đỗ. Lúc này, thuyền trưởng phát hiện ra tàu đã bị lạc hướng, không xác định được đang ở vùng biển nào.
 
Một phương án được đề ra là cho tàu tiếp cận bờ (dù không xác định được địa điểm cập bến) để thả vũ khí xuống sát bờ biển, các chiến sĩ trên tàu sơ tán lên bờ, còn tàu thì đưa ra xa khoảng 1km để cho nổ phá hủy. Nhưng, phương án này cuối cùng không thực hiện, bởi gần 4 giờ sáng, lúc tiến gần vào bờ biển, các thành viên trên tàu thấy hai ngọn đèn trên biển rất sáng. Thuyền trưởng La Minh Tốt quyết định cho tàu đi qua hai ngọn đèn đó, tàu vào một con sông, không một ai trên tàu biết đây là con sông nào. Khoảng 30 phút sau, khi đã có thể nhìn được cảnh vật một cách mờ mờ, các chiến sĩ mới thấy hai bên bờ sông, cây cối chết hết vì chất độc da cam. Tình hình trên tàu lúc bấy giờ rất khó để quyết định nên đi tiếp hay quay lại. Nhưng, đúng thời điểm đó, các chiến sĩ trên tàu 154 thấy hai người đang đánh cá, liền mời một người lên tàu để hỏi. Như một sự may mắn, sau một vài phút ngỡ ngàng, người đánh cá này nói anh ta là dân quân du kích và nếu tàu đi thêm khoảng 1km nữa sẽ gặp chốt của địch. Người du kích này nói phải quay lại phía cửa biển để tránh địch.
 
Trên đường quay ra, các chiến sĩ trên tàu mới thấy rõ 2 ngọn đèn sáng ở cửa sông lúc đi vào, chính là 2 ngọn đèn trên 2 tàu địch. Ra được đến biển, người du kích dẫn tàu đi vào một con rạch, đến một ngôi làng. Ngôi làng này mới được giải phóng 3 ngày, người dân trong làng thấy bộ đội miền Bắc thì rất mừng, dân làng tập trung lại chặt cây ngụy trang an toàn cho tàu. Ngay buổi chiều tối hôm đó, người liên lạc, dẫn đường của Quân khu 9 đến được ngôi làng mà tàu 154 đang trú ẩn, sau khi nhận được tin báo. Đến tối, tàu ra khỏi làng để quay về bến Vàm Lũng (Cà Mau) là đích đến của chuyến đi. Bốn giờ sáng hôm sau thì tàu chở toàn bộ số vũ khí đến bến an toàn.
 
Ông Phạm Xuân Hương tâm sự: “Dù bị lạc hướng, mất thêm thời gian chuyển vũ khí, nhưng chuyến tàu này vẫn đến được bến an toàn, là một điều may mắn. May mắn vì đi qua 2 tàu địch những 2 lần mà không bị phát hiện, may mắn vì gặp đúng được người dân quân du kích và may mắn vì vào đúng một ngôi làng đã giải phóng, được bà con giúp đỡ”.
 
Có thể nói, những chuyến đi đó không chỉ tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chỉ có ở nước ta, mà còn tạo nên một lịch sử oai hùng về tinh thần dũng cảm của những người con đất Việt, trong đó có những người con của xứ Nghệ kiên cường ...

Nguyễn Viết Chính

Tin mới