Người lính cơ yếu và bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập và gắn bó 17 năm liên tục với núi rừng Trường Sơn, Đại tá Nguyễn Đức Mãi- người lính cơ yếu đầu tiên của Đoàn 559 chính là một trong những người đã trực tiếp thông báo mệnh lệnh thần tốc giải phóng Miền Nam của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bức điện được truyền qua sóng vô tuyến trước ngày 30/04/1975 gần 1 tháng và nếu giải mã được thì có thể cả thế giới đều biết. Tuy nhiên bằng kỹ thuật mã hóa trình độ cao, bức thông điệp truyền tải mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu được đảm bảo bí mật tuyệt đối, mãi đến giờ phút cuối cùng phía địch vẫn bị bất ngờ...

 Hai bức điện mật được chuyển qua Phòng cơ yếu Đoàn 559 tháng 4/1975.

 Người lính cơ yếu và bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2
Hai bức điện mật được chuyển qua Phòng cơ yếu Đoàn 559 tháng 4/1975.


Hiện sinh sống ở phường Hưng Bình (TP.Vinh) năm nay đã 83 tuổi, và vừa mới trải qua một cơn nhồi máu cơ tim nên sức khỏe hơi yếu, thế nhưng khi nhắc đến Trường Sơn, đến Đoàn 559, đại tá Nguyễn Đức Mãi như khỏe hẳn ra và hào hứng kể:


Vì tôi là lính cơ yếu mà...


Một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1959, sau khi mã hóa xong 3 bức điện thì tôi được gọi lên gặp Thiếu tướng Nguyễn Đôn - Tư lệnh trưởng Quân khu IV. Đồng chí Tư lệnh trưởng thông báo ngắn gọn:


- Cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước phải chuyển hướng sang đấu tranh bằng cả hai phương thức chính trị, ngoại giao và cả đấu tranh vũ trang. Để đảm bảo cho đấu tranh vũ trang có hiệu lực, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương tổ chức đường dây vận tải quân sự lấy tên là Đoàn 559. Các lực lượng phục vụ đường dây đã triển khai xong. Thông tin liên lạc cử 1 tổ VTĐ 15w đi trước rồi. Riêng cơ yếu vì trục trặc nên đến giờ vẫn chưa sắp xếp được, đồng chí Trưởng ban đã cân nhắc kỹ và đề xuất cử đồng chí đi làm nhiệm vụ này. Đồng chí thấy thế nào, có gì khó khăn trở ngại không?


Không chần chừ, do dự, tôi đứng lên nghiêm túc nói:


- Báo cáo Tư lệnh! Tôi là một Đảng viên, một quân nhân và là một người lính cơ yếu, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này tôi rất lấy làm vinh dự, sΩn sàng nhận nhiệm vụ và hứa sẽ hoàn thành mọi trọng trách một cách tốt nhất.


Sáng 17/5, tôi và đồng chí cảnh vệ lên đường vào Quảng Bình, mãi đến 21 giờ đêm mới đến nơi. Sáng 18/5, một chiến sĩ giao liên dẫn tôi lên gặp đồng chí Võ Bẩm (đoàn trưởng) và các đồng chí chỉ huy. Ngày 18 và 19 tôi bắt tay vào công việc, cả phòng cơ yếu và thông tin hợp lực với nhau liên lạc thử với các đầu mối. Tất cả điện đi và điện đến đều thông suốt, trọn vẹn.


Tối 19/05, Đoàn tập trung làm lễ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Buổi lễ diễn ra đơn giản, gọn nhẹ nhưng rất trang trọng. Khoảng 21 giờ, toàn Đoàn lên 15 chiếc xe vận tải quân sự bịt kín chạy về hướng Đông Nam, tất cả im lặng để giữ bí mật. Qua thị xã Đồng Hới, đoàn xe chạy lên phà Long Đại rồi rẻ về hướng tây Vĩnh Linh dừng lại. Tôi ngắm nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ, sừng sững bao quanh và hỏi ra mới biết đó là địa phận Khe Hó .


Kí ức Trường Sơn và hai bức
điện mật lịch sử


Sau khi xây dựng lán trại, tổ điện đài chúng tôi được phân công đi theo phục vụ bộ phận Chỉ huy tiền phương do Đại úy Chử Đăng Chử phụ trách. Đài đặt ở vị trí đỉnh 1701 động Voi Mẹp nằm phía bắc đường 9. Công việc chủ yếu thực hiện vào ban đêm nên vô cùng khó khăn, nhất là khâu đảm bảo bí mật tuyệt đối, vô tuyến điện của chỉ huy tiền phương 301 chỉ được liên lạc với vô tuyến điện của chỉ huy Lữ đoàn 341 ở Vĩnh Linh.


Thời kỳ đầu hoạt động của đường dây vận chuyển 559 này vô cùng gian khổ, sinh hoạt thiếu thốn, ăn ngủ trong những hang đá, dưới tán cây rừng và cứ hai ba hôm lại phải di chuyển để tránh bị lộ. Tuy vất vả, nhưng anh em ai cũng có sức khỏe tốt và đã được quán triệt trước về mặt tư tưởng nên chúng tôi đã động viên nhau vượt qua với tinh thần lạc quan tin tưởng vào ngày chiến thắng. Trong bài thơ "Quyết tiến lên" tôi đã viết mấy câu thế này:


Quyết tâm bám trụ Trường Sơn

Leo mòn vách đá chẳng sờn chí trai

Dù cho gian khổ kéo dài

Vẫn không nao núng, không sai lời thề


Bài thơ động viên được tinh thần nên anh em rất thích.

Sau mấy chuyến hàng đầu tiên vận chuyển vào Quân khu V trót lọt, địch đánh hơi được hoạt động của ta nên chúng tăng cường tuần tra lùng sục suốt ngày đêm. Để đảm bảo bí mật về con đường vận chuyển, chúng ta phải tìm mọi cách né tránh không để lộ bất kỳ dấu vết nào. Đầu tháng 4 năm 1961, quân Ngụy Sài Gòn phối hợp với Ngụy quân Lào tổ chức trận càn dọc hai hành lang đường 9, chúng tôi phải mang điện đài lánh lên đỉnh cao chót vót của động Hàm Nghi, không có nước uống nên ban đêm phải lấy bạt căng ra hứng sương rồi gom lại để uống cho đỡ khát. Chính trong trận càn đó, hai trinh sát của ta không may bị rơi vào ổ phục kích của địch đã hy sinh, một đồng chí là Trần Tương (quê Quảng Nam), đồng chí thứ hai là Nguyễn Đức Thông (quê ở Diễn Châu - Nghệ An).


Từ nòng cốt đầu tiên là đoàn 301,theo yêu cầu ngày càng cấp bách của chiến trường miền Nam, Đoàn 559 ra đời với qui mô cấp sư đoàn bao gồm nhiều binh chủng hợp thành, dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên. Từ một cán bộ cơ yếu, trải qua quá trình công tác với nhiều cương vị khác nhau, tôi được giữ chức Trưởng ban cơ yếu phòng tham mưu tác chiến của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Phó trưởng phòng cơ yếu Bộ tham mưu 559; một thời gian sau được biệt phái xuống làm Trưởng ban cơ yếu Sư đoàn 470.


Trong suốt 17 năm công tác ở Trường Sơn tôi đã từng giải mã rồi mã hóa và truyền đi hàng ngàn bức điện mật quan trọng. Trong đó đáng nhớ nhất là bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mệnh lệnh ra ngày 7/4/1975 có nội dung:


 
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng! Truyền đạt tức khắc đến đảng viên và chiến sĩ"


Nhiệm vụ đặt ra lúc đó là chúng tôi phải lập tức vừa giải mã nội dung bức điện, sau đó mã hóa theo các từ khóa mới đã qui ước với các đơn vị tiếp nhận rồi truyền mệnh lệnh đến tất cả các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường Hồ Chí Minh và tất cả các đơn vị đang hành quân trên đường. Mệnh lệnh được phát qua sóng vô tuyến điện từ, bên phía địch và các phương tiện truyền thông thế giới đều có thể bắt được tín hiệu. Sau khi phát đi, chúng tôi hồi hộp và lo lắng theo dõi đài BBC xem bức điện mật có bị lộ không. Tuy nhiên đến mấy ngày sau vẫn không thấy hãng thông tấn quốc tế bám rất sát diễn biến cuộc chiến tranh Việt Nam này nói gì. Mãi đến ngày 30/4, khi quân ta tiến vào cửa ngõ Sài Gòn mà phía địch vẫn còn ngỡ ngàng.


11 giờ ngày 30/04 năm 1975, chúng tôi lại vinh dự nhận được bức điện mật của Bộ chỉ huy mặt trận Cánh Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chuyển về Bộ Tổng tham mưu với nội dung:


"10 giờ ngày 30/04, toàn bộ Lữ đoàn 203, E9, E66PB, CX của Quân đoàn 2 đã vào Sài Gòn chiếm lĩnh dinh Độc Lập, bắt Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu cùng nhiều nhân viên cao cấp Ngụy quyền Sài Gòn đang họp. Bắt Dương Văn Minh ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (12 giờ, giờ Sài Gòn).


- Quân đoàn 2 đang tiếp tục bố trí lực lượng

- Quân đoàn 4 đang tiếp tục chiếm lĩnh các mục tiêu"


Mặc dù nằm giữa núi rừng Trường Sơn nhưng những người lính cơ yếu chúng tôi là một trong những người vinh dự được biết tin chiến thắng sớm nhất, trước cả Bộ Tổng tham mưu. Nhận được bức điện xong lập tức chúng tôi giải mã rồi lập từ khóa mã mới chuyển sang trạm trung gian tiếp theo để nhanh chóng truyền ra Bộ Tổng tham mưu ở Hà Nội để các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng kịp thời mở đài phát thanh theo dõi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh.

Hoàng Hảo - (theo lời kể của Đại tá Nguyễn Đức Mãi)

Tin mới