Người lính làm khoa học

(Baonghean) - Nguyễn Văn Tạc trước khi "thành danh" thượng tá, tiến sỹ chuyên gia nghiên cứu về môi trường địa chất biển là một học sinh con nhà nghèo ở xã Long Thành, huyện Yên Thành. Sinh ra đã vất vả vì người anh trai - Nguyễn Văn Thân, đang đỡ đần việc nhà được vài buổi cày thì bỏ đất đi bộ đội đánh Mỹ, rồi hy sinh trên đất Long An. Do vậy, Nguyễn Văn Tạc, phải  thay anh lo việc đồng áng.
 
Học ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nhưng vào các ngày lễ, ngày tết nghỉ học anh thường về quê làm đồng, hoặc xuống vùng biển Diễn Vạn mua cá ruốc mang ra Hà Nội bán  kiếm chút lãi chi trả việc ăn học. Những lúc ấy, nhìn những con tàu lướt sóng ra khơi anh ước mơ sẽ được sống với biển, làm việc trên những con tàu. Năm 1974, khi đang học năm thứ nhất, anh thiết tha được phục vụ, bảo vệ  biển đảo . Được phân công công tác tại Hà Nội nhưng anh nằng nặc xin vào Khánh Hòa, nơi gần nhất hai quần đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Xa quê không có chỗ nương tựa, vợ anh lại là cán bộ nghiên cứu ở Học viện Hải dương học Nha Trang, lương ba đồng ba cọc, không đủ ăn, hai vợ chồng tần tảo chạy chợ  nuôi lợn để nuôi 3 người con trưởng thành. Sau hơn 17 năm gắn bó với công việc nghiên cứu địa chất địa mạo biển ở Viện Hải dương học Nha Trang, mùa Xuân 1975 anh đã bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ chuyên ngành Địa lý - địa chất biển. Ba con gái anh cũng lần lượt vào đại học, theo nghiệp cha.
 
Do yêu cầu của quân đội, anh lại chuyển về công tác tại Học viện Hải quân.  Ngoài đứng trên bục giảng, anh còn có cơ hội cùng với các chiến sỹ trẻ đi dò tìm những tài nguyên khoáng sản vô tận của biển. Anh đã chứng minh được vùng biển Việt Nam là một kho báu, thế hệ này chưa có điều kiện khai thác  thì phải bảo vệ cho con cháu lâu dài.
 
15 năm người lính, nhà khoa học ấy đã thầm lặng với những công trình, những đề tài về môi trường biển có giá trị thực tiễn. Đề tài"Giải pháp bảo vệ môi trường Quân cảng Nha Trang" được giới khoa học đánh giá rất khả thi. Đặc biệt gần đây, anh đã tham gia và làm Thư ký đề tài khoa học do Chuẩn đô đốc, Phó Giáo sư tiến sỹ, Phạm Hồng Thuận- Giám đốc Học viện Hải quân chủ trì, với tên gọi: "Nghiên cứu trường thủy âm và trường sóng nội của vùng biển Việt Nam".  Các nhà chuyên môn đánh giá đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước đầu tiên của Học viện; đồng thời cũng là vấn đề rất mới của Việt Nam. Đề tài đã được hội đồng khoa học, công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu và đánh giá vào loại khá. Kết quả của đề tài là bộ cơ sở dữ liệu khá đầy đủ và có giá trị tham khảo phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo và có ý nghĩa cho các hoạt động hàng hải trên biển - Đề tài còn có thể ứng dụng vào các hoạt động tác chiến của bộ đội hải quân trên biển đông.
 
Người con của một đồng quê chiêm trũng , nhưng từ yêu thương vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Tạc với niềm đam mê nghiên cứu, anh đã trở thành một nhà khoa học nghiên cứu về  lòng biển. Người lính và nhà khoa học, đồng xanh và biển xanh là những đôi cánh nâng anh bay lên, cho anh tìm thấy hạnh phúc của đời mình.

Hoàng Chỉnh

Tin mới