Nguy cơ bùng phát bệnh viêm não

(Baonghean) - Tính từ ngày 2/8 đến này 5/8, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận 4 bệnh nhi từ các huyện, thị như: Kỳ Sơn, Tân Kỳ, thị xã Cửa Lò, đặc biệt còn có bệnh nhân từ nước bạn Lào nhập viện chẩn đoán do bị viêm não và đều ở tình trạng bệnh lý rất nặng.

Trường hợp cháu Cụt Văn Thiết (8 tháng) ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ  Sơn, người nhà cháu cho biết: Cháu đã được điều trị 6 ngày tại bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn nhưng không đỡ do bệnh rất nặng. Sáng 5/8, người nhà đưa cháu xuống Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, sốt li bì. Các bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm não và được cấp cứu cho thở ô-xy, hút đờm dãi, chống co giật, tăng xông… Hiện cháu vẫn đang hôn mê và đang được điều trị tích cực.

Trường hợp bệnh nhi Thom Văn (6 tuổi), quê ở thôn Xốp Thơm, tỉnh Xay Chan Pon, nước CHND Lào, nhập viện vào ngày 2/8 trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, co giật. Cháu được chẩn đoán là do bị viêm màng não, đang được điều trị tích cực, tuy nhiên hiện nay cháu vẫn đang ở trong tình trạng hôn mê.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn kiểm tra sức khoẻ bệnh nhi hôn mê do viêm não.

Bác sỹ Nguyễn văn Sơn - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi cho hay: “Đến thời điểm này tuy số lượng các ca viêm não chưa nhiều, nhưng trên thực tế các bệnh nhi nhập viện đều ở tình trạng bệnh lý rất nặng, hầu như đều có thể biến chứng về thần kinh. Tất cả các trường hợp nặng đang điều trị tại khoa đều có biểu hiện: hôn mê, co giật, tăng tiết đờm dãi, sốt cao liên tục, đại tiểu tiện không tự chủ. Nguyên nhân gây bệnh viêm não, viêm màng não do virus Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị, trong đó muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh nguy hiểm nhất.

Mặc dù đã có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải kháng tất cả các virus. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus. Do đó, điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng và chữa triệu chứng. Những người qua cơn nguy kịch do tổ chức não bị viêm gây nên như: suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng nhưng di chứng để lại (liệt, cấm khẩu, mất trí nhớ, cử động dị thường, run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh vận động, tâm thần) khó phục hồi hoặc hồi phục rất chậm”.

Đồng thời bác sỹ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ nên chú ý cần dùng nhang xua muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ, nuôi cá diệt loăng quăng, phát quang bụi rậm, mặc quần áo dài, ngủ màn, tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ... Đặc biệt là trong các bệnh viêm não mùa hè, thì viêm não Nhật Bản B là bệnh nguy hiểm, thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, sinh sôi mạnh mẽ. Viêm não Nhật Bản B là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề, kéo dài ở hệ thần kinh như hạn chế vận động, chậm phát triển trí tuệ... cho trẻ, với tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,3 - 60%, thời gian ủ bệnh nhanh, do vậy đối với viêm não Nhật Bản B cần cho trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh.

Bài, ảnh: Thúy Hiền (Trung tâm TT – GDSK tỉnh)

Tin mới