Những cô gái lái xe đường Trường Sơn

Từ nguồn tin của cán bộ tham mưu binh trạm 9, thuộc Tổng cục Hậu cần tiền phương trong kháng chiến chống Mỹ, tôi tìm về xã Cát Văn, huyện Thanh Chương gặp thượng uý Nguyễn Bá Tiến, đã nghỉ hưu, Ông vốn là chiến sỹ Điện Biên Phủ, từng chiến đấu trong trung đoàn vận tải cơ giới đầu tiên của Quân đội. Những năm (1966- 1967), khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh cục bộ, ông đã sớm có mặt trong đội hình vận tải cơ giới, đưa hàng từ hậu phương miền Bắc vào mặt trận phía Nam.

 CCB Nguyễn Bá Tiến, chỉ huy Trung đội chiến sỹ gái lái xe Trường Sơn (1968-1971)

 CCB Nguyễn Bá Tiến, chỉ huy Trung đội
chiến sỹ gái lái xe Trường Sơn (1968-1971)

Ông kể: Mùa khô năm 1966- 1967 Ông được bổ sung về phòng quản lý kỹ thuật cơ giới binh trạm 9. Lúc này, binh trạm có nhiệm vụ đẩy hàng lên phía trước với khối lượng lớn nhưng thiếu lái xe trầm trọng. Binh trạm trưởng Phạm Thái và Chính uỷ Việt Hưng đặt vấn đề đào tạo cấp tốc lái xe.

Ông Tiến sau khi cân nhắc năng lực và hoàn cảnh chiến trường lúc bấy giờ đã trình bày phương án đào tạo 8 tháng, rồi rút xuống 4 tháng để nhanh chóng bổ sung đội ngũ lái xe cho tiền phương. Đã huy động khắp các bộ phận quân nhu, kho bãi, công binh nhưng vẫn thiếu học viên. Ông Tiến đã mạnh dạn đề xuất chọn lựa chiến sỹ gái huấn luyện lái xe.

Thế là gần ba mươi cô gái đang phục vụ hậu cần, cấp dưỡng, bốc xếp hàng được biên chế thành một trung đội. Những cô gái trẻ măng quê ở Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hoá háo hức nhận nhiệm vụ mới. Thượng sỹ Phan Thị Kiên được chỉ định làm trung đội trưởng và trung sỹ Trần Thị Vân làm chính trị viên. Nhận nhiệm vụ phụ trách lớp huấn luyện, thượng uý Nguyễn Bá Tiến dẫn đại đội học viên lái xe vượt gần 700km đường rừng ra Bắc.

Dọc đường hành quân, chỉ cách nhà không quá nửa ngày đường, ông không thể ghé thăm vợ và các con nhỏ. Ra Nghệ An vào cuối tháng 7 năm 1968, ông Tiến cùng ban chỉ huy lớp huấn luyện chọn xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) xây dựng lán trại, bãi tập và hầm giấu xe. Tình hình mặt trận chuyển biến khẩn trương, lớp học được rút xuống hai tháng. Cán bộ và chiến sỹ học cả ban đêm, tranh thủ sát hạch từng bộ môn khi giải lao. Chiến trường thôi thúc, lớp huấn luyệnchạy đua với thời gian, tranh thủ nắm bắt nhanh kiến thức cơ bản và bài học xử lý hỏng hóc, nguỵ trang, phòng tránh địch trên không, địch dưới mặt đất. Kết thúc khóa học, trung đội chiến sỹ gái được giao lái xe Gát 51, loại xe một cầu của quân đội Liên Xô trang bị.

Những cái tên trọng điểm gắn với chết chóc, cháy xe, cháy hàng suốt tuyến đường 15, đường 12, đường 20 (Quyết Thắng). Họ đã kiên gan vượt lên bom đạn, mưa lũ, lầy lội trên mọi cung đường góp phần chuyển hàng vạn tấn hàng ra tiền tuyến. Những năm ác liệt ông Nguyễn Bá Tiến theo sát trung đội lái xe gái từ năm (1968-1971). Sau này, ông Tiến lại cùng một số nữ chiến sỹ lái xe trở về trường lái xe 255 làm giáo viên đào tạo hàng trăm tay lái, chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công mùa xuân 1975 toàn thắng...


Ông Nguyễn Bá Tiến ước ao mong được gặp lại một trong những chiến sỹ nữ lái xe Trường Sơn năm nào. Bài báo nhỏ này xin làm nhịp cầu nối tình cảm giữa thầy giáo Nguyễn Bá Tiến với đồng đội lái xe thuở đạn bom.

Văn Hiền

Tin mới