Những kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bên cạnh việc bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đã chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn trong bối cảnh mới để điều hành hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, cử tri và nhân dân tỉnh nhà cũng gửi gắm đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII những kiến nghị, đề xuất để các cấp có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.

Cử tri Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu:

Quan tâm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Những năm qua Đảng và Nhà nước luôn chú trọng quan tâm đến phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, hiện nay ngành khai thác hải sản đang gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi: Ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi khan hiếm, giá xăng, dầu tăng cao. Đơn cử, giai đoạn 2016-2017, xã Sơn Hải có 236 tàu với 3.000 - 3.500 lao động, đến nay giảm xuống 100 tàu với khoảng 500 - 600 lao động. Bên cạnh đó, ngành khai thác hải sản là một trong những ngành đặc biệt nguy hiểm, độ rủi ro cao.

Trong những năm qua, xã Sơn Hải đã phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát về người và tài sản khi tham gia khai thác trên biển. Ngư dân mong muốn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân vùng biển (hiện tại mới hỗ trợ theo Quyết định 48 khai thác ở vùng biển xa); hỗ trợ bảo hiểm thân vỏ và bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân (đã dừng 2 năm nay). Cùng với đó, cần có chính sách gia hạn nợ và hỗ trợ lãi suất cho các tàu vay đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Từ khi có Nghị định 67, toàn huyện Quỳnh Lưu có 52 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Đến nay, có 6 tàu đã bị ngân hàng phát mại thu hồi, 2 tàu bị đắm. Đề nghị Nhà nước xem xét, có chính sách kéo dài thời gian trả nợ cho các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đang tham gia khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, nghiên cứu xem xét sửa đổi những bất cập về mức vay, tài sản thế chấp trong việc thực hiện Nghị định 67.

Hàng loạt tàu cá của xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) nằm bờ, bởi đi sợ thua lỗ. Ảnh tư liệu: Quang An

Hàng loạt tàu cá của xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) nằm bờ, bởi đi sợ thua lỗ. Ảnh tư liệu: Quang An

Cử tri Cao Xuân Điệp cũng kiến nghị thêm: Trên địa bàn các xã Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận quản lý trên 50 ha đất bãi bồi ven biển. Giai đoạn 2018 trở về trước, được sự cho phép của UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã đã tạo điều kiện để các hộ dân thuê nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao). Nghề nuôi ngao thương phẩm đã giúp đời sống bà con được nâng lên, tạo việc làm cho nhân dân. Tuy nhiên, từ năm 2018, theo quy định UBND xã không đủ thẩm quyền để cho thuê đất mặt nước bãi bồi ven biển, do vậy, kiến nghị UBND tỉnh cần có chủ trương để bà con được thuê đất nuôi trồng thủy sản.

Cử tri Thái Văn Sỹ - Xã Long Thành, huyện Yên Thành:

Có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp

Cử tri và nhân dân rất phấn khởi trong những tháng đầu năm cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã hành động quyết liệt, từ đó giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề bà con lo lắng là giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân đối mặt với thua lỗ khi sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhất là giá cả vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng cao, trong khi sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp nên bà con không còn mặn mà sản xuất, nhiều người dân bỏ ruộng.

Nông dân mong muốn Nhà nước có chính sách, giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, nhất là giá vật tư nông nghiệp bảo đảm cho nông dân sản xuất có lãi; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tiếp tục mở rộng thị trường tìm “đầu ra” cho mặt hàng nông sản; đầu tư các trung tâm tiêu thụ và chế biến nông sản sau khi thu hoạch; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nghiên cứu và nhân rộng những giống chất lượng cao để cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước; có những chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế tập thể.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân sử dụng các phụ phẩm từ sản xuất chăn nuôi như sử dụng phân bón hữu cơ, để hạn chế sử dụng vật tư phải mua. Đồng thời, đây là cách để bà con chuyển đổi mô hình hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang ứng dụng mô hình sản xuất hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nông dân xã Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, kali. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Nông dân xã Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, kali. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Cử tri Trần Thị Hà - Khối 2, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò:

Hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong đó có chương trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đã có sự đổi thay rất nhiều. Người dân đã có ý thức góp phần vào sự sáng, xanh, sạch, đẹp của khu dân cư bằng những việc làm cụ thể như triển khai được nhiều công trình, phần việc thiết thực, có hiệu quả ở các khu dân cư như xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; trồng hoa, cây cảnh ven đường; xây dựng công trình sáng - xanh - sạch - đẹp; thu gom, xử lý rác thải; tổ chức vệ sinh môi trường, chỉnh trang nông thôn, đô thị định kỳ hàng tháng,... Khu dân cư cũng đã xây dựng được quy ước chung để các hộ gia đình cùng thực hiện. Mục tiêu xây dựng được khu dân cư kiểu mẫu nhằm làm chuẩn cho các khu dân cư khác trên địa bàn.

Người dân nhận thức được rằng, sự tự nguyện, phần đóng góp của người dân vẫn là chủ yếu, họ phải thực sự là chủ thể trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn cho khu dân cư kiểu mẫu hiện vẫn chưa được ban hành. Người dân mong muốn tỉnh sớm hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng khu dân cư kiểu mẫu khuyến khích người dân tích cực tham gia góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Cử tri Lê Văn Lương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong:

Tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số phát triển

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lâu nay được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh cũng vừa ban hành 2 nghị quyết liên quan kế hoạch phân bổ, cơ cấu huy động, lồng ghép các nguồn lực và quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển.

Cùng với các chương trình, dự án đầu tư theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ; đồng bào vùng dân tộc thiểu số như xã Hạnh Dịch nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, chủ yếu dựa vào rừng; tuy nhiên, mức hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường cho người dân hiện quá thấp, đề nghị các cấp nghiên cứu nâng mức chi trả đối với 2 khoản này.

Đường vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sách Nguyễn

Đường vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sách Nguyễn

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm tạo điều kiện thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; trong đó, yếu tố quan trọng là cần đưa sóng viễn thông và điện sinh hoạt về cho người dân, để thông qua hệ thống truyền hình, internet, mạng xã hội để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm cho người dân trong phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Cử tri Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp:

Tháo gỡ khó khăn, bất cập về đất đai

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp có một số nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể mặc dù hoạt động từ lâu nhưng chưa làm thủ tục thuê đất. Qua nắm bắt, không chỉ riêng ở khu vực thị trấn mà tình trạng này còn có ở các xã Tam Hợp, Thọ Hợp, Đồng Hợp, Châu Lộc… Do không có quyết định cho thuê đất từ cơ quan có chức năng, dẫn đến các đơn vị và hộ kinh doanh cá thể này hoạt động không đúng quy định pháp luật về quản lý đất đai; mặt khác, địa phương thất thu ngân sách, trong đó có tiền thuê đất. Từ thực tế này, kiến nghị tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục cho thuê đất đối với các trường hợp này.

Cùng với bất cập trên, ở địa bàn miền núi, diện tích đất bằng hạn chế, người dân chủ yếu sinh sống ở dọc các triền đồi và núi, cho nên nhu cầu san ủi, mở rộng mặt bằng làm nhà hoặc khuôn viên, vườn tược khá lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện san ủi đó, đất dư thừa không được chở ra khỏi khu vực cải tạo, bởi nếu chở ra ngoài là vi phạm pháp luật. Mặt khác, đối với những hộ có nhu cầu đất để đắp nền nhà, nền vừa thì trên địa bàn huyện chưa có mỏ đất nào được cấp, nên người dân cũng không có đất để đắp nền nhà, vườn. Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu cho phép người dân được vận chuyển đất dư thừa sau cải tạo vườn đồi đi đổ nơi khác; đồng thời cho phép người dân khai thác đất phục vụ cho các hoạt động dân sinh.

Cử tri Nguyễn Đình Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc:

Xử lý dứt điểm các tồn đọng trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đang còn một số khó khăn, bất cập. Ở xã Nghi Hưng hiện tại đang còn trường hợp do cấp chồng lấn nên muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thêm một lần nữa, trong khi đó, điều kiện kinh tế của hộ dân này khó khăn.

Mặt khác, một số trường hợp yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ về thực hiện nghĩa vụ tài chính cho địa phương, tuy nhiên, quá trình lưu trữ không tốt, nên nay không còn. Hay yêu cầu về biên bản bàn giao đất, biên bản cắm mốc, biên bản giao đất thực địa mà ở thời điểm đó các biên bản này chưa có. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần phải có quan điểm và tư duy rõ ràng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp cấp đất không đúng thẩm quyền. Sai là do lịch sử để lại và lỗi thuộc về chính quyền, chứ không phải của người dân, người dân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mới được cấp đất, giờ quay trở lại muốn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng lại yêu cầu họ cung cấp các loại giấy tờ mà trước đây không có, khiến người chạy đi, chạy lại lao đao, không biết bấu víu vào ai. Đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ cho người dân.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Tin mới