Cử tri Kỳ Sơn phản ánh công trình nước sinh hoạt của thôn bản xuống cấp, hư hỏng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cử tri các bản: Huồi Bắc, Phia Khăm 1, Kèo Pha Tú (xã Bắc Lý); Kèo Lực 1, Kèo Lực 2, Kèo Lực 3 (xã Phà Đánh) huyện Kỳ Sơn phản ánh công trình nước sinh hoạt của các bản đã xuống cấp, hư hỏng. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa công trình để đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con.

Trả lời:

- Đối với nước sinh hoạt các bản Huồi Bắc, Phia Khăm 1, Kẻo Pha Tú, xã Bắc Lý:

Công trình nước sinh hoạt bản Huồi Bắc: Được xây dựng năm 2014, ban đầu có 43 hộ, đến nay là 56 hộ sử dụng; chiều dài tuyến ống 2km, gồm 03 bể chứa kết hợp nhà tắm.

Công trình nước sinh hoạt bản Phia Khăm 1: Được đầu tư xây dựng từ năm 2005, ban đầu có 64 hộ dân, đến nay có 105 hộ dân sử dụng; chiều dài tuyến ống 3km bằng ống tráng kẽm, 04 bể chứa kết hợp nhà tắm.

Công trình nước sinh hoạt bản Kẻo Pha Tú: Được xây dựng năm 2013, ban đầu có 38 hộ, đến nay là 55 hộ sử dụng; chiều dài tuyến ống 1,3km, gồm 04 bể chứa kết hợp nhà tắm.

Hiện nay, các công trình đã hư hỏng đập đầu nguồn, tuyến ống và các bể. Nguyên nhân chính là do công trình đã xây dựng nhiều năm, các vị trí đập đầu nguồn ở khe có độ dốc lớn và thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét; nguồn nước ở khu vực đầu nguồn dần bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu; công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng, ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế.

Một công trình nước sinh hoạt ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Một công trình nước sinh hoạt ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Giải pháp khắc phục:

Đối với nước sinh hoạt bản Phia Khăm 1: UBND xã đã đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong Dự án 4 của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2022.

Đối với nước sinh hoạt bản Kẻo Pha Tú và Huồi Bắc: UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã kiểm tra, rà soát lại và đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư thuộc các Chương trình MTQG do xã làm chủ đầu tư; các hạng mục hư hỏng nhỏ đưa vào kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG.

Ngoài ra, có giải pháp huy động thêm các nguồn vốn của địa phương, của người dân hưởng lợi; tăng cường công tác tuyên truyền người dân trong việc bảo quản công trình, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là sau các đợt mưa bão.

-Đối với nước sinh hoạt bản Kẻo Lực 1-2-3, xã Phà Đánh:

Công trình nước sinh hoạt bản Kẻo Lực 1-2-3, xã Phà Đánh gồm: Đập số 01 (xây dựng từ năm 1995); Đập số 02 ở vị trí khe khác cách đập 01 khoảng 2km (xây dựng năm 2017) để gom bổ sung nguồn nước và nhập chung vào 1 tuyến ống chính chạy về bản Kẻo Lực 1-2-3.

Chiều dài tuyến ống 4000m, bằng ống sắt tráng kẽm đường kính từ 110mm-25mm (toàn bộ tuyến ống chính chảy song song với tuyến QL 16, trừ đoạn nhánh tuyến vào đập số 01); có 06 bể chứa, kết hợp nhà tắm.

Hiện nay, đập đầu nguồn số 02, bị nước lũ cuối trôi hoàn toàn, hệ thống tuyến ống bị trôi, gẫy không sử dụng được. Cả 3 bản đang dùng tạm nguồn nước tại đập đầu nguồn cũ xây dựng từ năm 1995 (đập số 01) do đập này đã được khắc phục, sửa chữa năm 2020.

Tuy nhiên, do nguồn nước khe nhỏ, nhất là vào mùa khô nước hầu như không có, hơn nữa phải phục vụ cho cả 3 bản với hơn 201 hộ dân, và các trường học, trạm Y tế xã, UBND xã Phà Đánh. Nguyên nhân chính là do công trình xây dựng đã lâu, đập đầu nguồn số 02 nằm ở vị trí khe có độ dốc lớn và thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét; nguồn nước ở khu vực đầu nguồn số 01 dần bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu.

Sử dụng nước từ công trình nước tự chảy tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: PV
Sử dụng nước từ công trình nước tự chảy tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: PV

Giải pháp khắc phục: UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Phà Đánh tiến hành kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng lớn, nhất là đập đầu nguồn số 02, các đoạn tuyến ống và bể chứa để đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư bằng vốn các CTMTQG giai đoạn 2022-2025 do xã làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, có giải pháp huy động nguồn vốn khác, sự tham gia đóng góp của người dân để khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ và làm tốt công tác bảo trì, bảo quản, duy tu bảo dưỡng thường xuyên; không quy hoạch vùng sản xuất ở phía lưu vực đầu nguồn có công trình nước sinh hoạt để giữ nguồn nước.

Tin mới