Xung quanh việc 10 lao động trên tàu kiểm ngư bị dừng hợp đồng: Từng bước gỡ khó!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Để công tác kiểm ngư trên biển hoạt động trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư ký hợp đồng ngắn hạn với 10 lao động, sau đó, từng bước tháo gỡ vướng mắc, sắp xếp để những lao động này được tiếp tục làm việc ổn định.

Tàu kiểm ngư vẫn nằm bờ

Sự việc 10 lao động vận hành trên tàu kiểm ngư bị dừng hợp đồng lao động, dẫn đến công tác kiểm ngư trên biển bị đình trệ đã được Báo Nghệ An (từ ngày 8-10/4/2024) thông tin tại các bài viết: “Lao động mất việc, tàu nằm bờ, công tác kiểm ngư trên biển Nghệ An tê liệt”; “Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đau đầu khi hoạt động kiểm ngư tê liệt”; “Chuyện đời kiểm ngư”.

bna_Kiểm ngư 3. Thành Cường.jpg
Tàu kiểm ngư nằm bờ, công tác kiểm ngư trên biển đã dừng hơn 3 tháng. Ảnh: Thành Cường

Vào ngày 10/4, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi được nghe báo cáo về sự việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhìn nhận đây là vấn đề tồn tại của lịch sử, nhưng chiếu theo quy định hiện nay thì chưa cho phép giải quyết. Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã giao Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp và không trái với quy định.

Đến ngày 22/4, theo tìm hiểu, 2 chiếc tàu kiểm ngư cùng 2 chiếc xuồng cao tốc vẫn tiếp tục nằm bờ, công tác kiểm ngư trên biển vì thế vẫn bị tê liệt. Theo Trưởng phòng Kiểm ngư Trần Châu Thành cho biết, qua đường dây nóng của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, phòng nắm bắt được các hoạt động của ngư dân trên biển, qua đó xác định tình trạng khai thác hải sản không tuân thủ đúng quy định vẫn đang diễn ra.

Trước câu hỏi liệu Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư có giải pháp gì để 10 lao động tiếp tục được làm việc, qua đó tổ chức lại hoạt động kiểm ngư trên biển, ông Thành trả lời với đại ý Phòng Kiểm ngư chỉ sử dụng lao động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, còn công tác tuyển dụng, hợp đồng lao động là trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục và cơ quan cấp trên. Nhưng dù vậy, vị Trưởng phòng Kiểm ngư cũng cho biết, Chi cục đã có phương án tạm thời là hướng đến ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động!

Cùng ngày, liên hệ với Máy trưởng tàu kiểm ngư KN 688 NA Trần Hoàng Minh, được anh cho biết, hiện vẫn đang ở nhà. Anh Minh nói: “Vừa rồi Chi cục cho người liên hệ hỏi thăm, nắm thông tin xem tôi đã làm gì hay chưa…”.

bna_Kiểm ngư 15. Thành Cường.jpg
Máy trưởng tàu kiểm ngư KN 688 Trần Hoàng Minh. Ảnh: Thành Cường

Rồi anh tâm sự: “Tôi có 22 năm công tác trên tàu kiểm ngư. Có thể nói là tuổi trẻ của tôi đã gắn bó, cống hiến cho công việc này. Bây giờ tuổi đã cao, công việc chuyên môn của bản thân có tính đặc thù nên phải thành thật mà nói, để tìm được việc phù hợp cũng rất khó khăn chứ không như một số anh em tuổi còn trẻ, còn sức lao động. Tôi rất buồn, nhưng cũng không biết làm sao... Dù vậy, tôi nghĩ cũng phải thông cảm cho cơ quan, cho ngành vì như ở cuộc họp ngày 10/4/2024 có lãnh đạo tỉnh tham gia, Sở Nội vụ cũng đã trả lời, đó là do quy định chứ không ai muốn như vậy…”.

Về hướng xử lý tạm thời của Chi cục như thông tin Trưởng phòng Kiểm ngư Trần Châu Thành đã trao đổi, anh Trần Hoàng Minh cho biết chưa nắm được nội dung này. Nhưng theo anh Minh, việc ký hợp đồng ngắn hạn như vậy không có tính ổn định, không đảm bảo lâu dài nên có thể những lao động chưa tìm được việc thì sẽ đồng ý làm việc tạm thời, nhưng sau đó họ sẽ nghỉ.

Anh Minh nói: “Hợp đồng ngắn hạn theo từng tháng như vậy thì sau vài tháng, hoặc 1 năm… lại bị thanh lý hợp đồng, lại mất việc. Tương lai không rõ ràng, anh em sẽ không thể yên tâm làm việc. Vì vậy, dù rất buồn nhưng theo tôi thì anh em sẽ chấp nhận nghỉ và tìm việc làm mới để có tính ổn định…”.

bna_Kiểm ngư 13. Đào Tuấn.jpg
Một số nhân viên tàu kiểm ngư bị dừng hợp đồng trao đổi với PV Báo Nghệ An về công tác vận hành tàu kiểm soát tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển. Ảnh: Thành Cường

Về suy nghĩ của cá nhân, anh Minh bộc bạch: “Thời gian qua, 10 anh em chúng tôi đã hy vọng sẽ được cơ quan sử dụng trở lại. Vì tỉnh ta có 82km biển, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên không thể bỏ công tác kiểm ngư trên biển. Trong khi đó, vận hành tàu kiểm ngư có tính đặc thù, không phải ai cũng có thể đáp ứng yêu cầu. Nhưng nếu đã như thế thì cũng đành vậy. Tôi dù rất yêu nghề, và biết nếu nghỉ sẽ rất khó khăn để tìm công việc mới phù hợp, nhưng khi không rõ ràng về tương lai thì tôi cũng đành phải nghỉ…”.

Từng bước gỡ khó

Cập nhật thông tin công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), có thể khẳng định đây là nội dung Trung ương đang hết sức quan tâm.

Dẫn chứng là vào ngày 4/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung thực hiện rất nhiều những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo nguồn lực con người, cụ thể: “Đảm bảo nguồn lực, kinh phí, bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế”.

bna_Kiểm ngư. CTV.jpg
Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An tuần tra kiểm soát tàu cá ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển. Ảnh: CTV

Đến ngày 10/4/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Ban Bí thư yêu cầu thực hiện là: “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển…”.

Và để Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 được thực hiện hiệu quả, chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để quán triệt, triển khai thực hiện. Đáng lưu ý, tại điểm cầu của tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đã báo cáo đến hội nghị công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU của Nghệ An. Phó Bí thư Tỉnh ủy đã nêu những khó khăn của Nghệ An hiện nay, trong đó, đề cập tình trạng thiếu và yếu của lực lượng Kiểm ngư tỉnh; qua đó kiến nghị Trung ương nghiên cứu và có các quy định cụ thể về lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh cũng như các chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu: “Hiện nay, trong Luật Thủy sản, Nghị định của Chính phủ đều nêu lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh do tỉnh chủ động thành lập. Tuy nhiên, hiện chưa nói rõ chế độ, chính sách của lực lượng này nên tỉnh gặp khó khăn”.

Kết nối với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Xuân Học để trao đổi những thông tin nêu trên, hỏi về hướng giải quyết của Sở để công tác kiểm ngư trên biển được tái lập. Theo ông Học, Sở đã giao Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư thực hiện ký hợp đồng ngắn hạn với 10 lao động; đồng thời, cũng sẽ làm việc với Kho bạc Nhà nước tỉnh để giải quyết vấn đề tiền lương cho lực lượng này. Về tâm trạng của người lao động trên tàu kiểm ngư trước thông tin chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, ông Học cho rằng, đây là tâm lý của bất kỳ ai khi ở tình huống này.

bna_Kiểm ngư 8. Thành Cường.jpg
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học. Ảnh: Thành Cường

Ông Trần Xuân Học cũng khẳng định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cố gắng giải quyết theo hướng đảm bảo 10 lao động được làm việc ổn định trên tàu kiểm ngư.

Ông nói: “Do vướng quy định nên để xử lý trọn vẹn được sẽ không thể sớm. Trước mắt, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư ký hợp đồng ngắn hạn với 10 lao động để giải quyết việc làm cho họ và đảm bảo công tác kiểm ngư trên biển. Sau đó, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư sắp xếp lại, lao động nào đủ tiêu chuẩn thì tuyển dụng vào viên chức, còn lại, sẽ tuyển dụng họ theo diện hợp đồng 111 (Hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên, để thực hiện được nội dung này cần có thời gian. Chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư phải nói rõ quan điểm này của Sở với các lao động…”.

Tin mới