Những thầy thuốc đặc biệt

(Baonghean) - Bệnh nhân của họ là những đối tượng đặc biệt: người nghiện, người nhiễm HIV. Và môi trường hành nghề của họ cũng đặc biệt: Trung tâm giáo dục- lao động xã hội, gần như hoàn toàn tách biệt với bên ngoài...

Tương Dương là một trong những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng chất ma túy. Có thời điểm, tình trạng này được ví như một “cơn lốc trắng” càn quét khiến không ít bản làng lâm vào cảnh xác xơ và bao gia đình rơi vào hoàn cảnh bi đát, bất hạnh. Hiện nay, một trong những vấn đề xã hội nhức nhối nhất của huyện rẻo cao biên giới này là số lượng người nghiện ma túy vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự và lao động sản xuất, Nhà nước đã đồng ý phê duyệt việc thành lập Trung tâm giáo dục - lao động xã hội trên địa bàn huyện.

Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội huyện Tương Dương vào một ngày đầu năm, được chứng kiến cảnh các học viên vui vẻ, tích cực tăng gia sản xuất, rèn luyện thể dục - thể thao mới thấy được công lao của cán bộ, công nhân viên trung tâm trong việc điều hành, quản lý những đối tượng đặc biệt này. Khu vực ăn ở sạch sẽ, tươm tất, khu vực tăng gia sản xuất được chia thành 3 phần: phần trồng cỏ sữa và chăn thả gia súc (bò, lợn); phần đào ao thả cá và phần còn lại dùng để trồng các loại rau củ quả. Học viên của trung tâm là những người nghiện ma túy trên địa bàn huyện, được gia đình gửi đến. Trong giờ hành chính, mỗi người được giao một công việc cụ thể, chẳng hạn cắt cỏ cho bò, kiếm thức ăn cho lợn hoặc cá, tưới rau, nấu ăn, kiếm củi... Hết giờ hành chính, các học viên lại hồ hởi tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông hoặc lên nhà văn hóa xem ti vi, đọc sách báo. Chia sẻ điều này với một học viên, anh cho biết, để có được điều đó là nhờ sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các thầy cô, trong đó phải kể đến sự tận tình của các y bác sỹ trong thời gian đầu.

Y sỹ Lương Văn Tào đang khám bệnh.

Theo Giám đốc Lô Văn Phương, trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010, hiện đang giáo dục và quản lý 117 học viên. Tổng số cán bộ, công nhân viên là 21, trong đó phòng Y tế được biên chế 3 người có trình độ chuyên môn là y sỹ. 3 cán bộ y tế chăm sóc 117 học viên, quả là một con số thật đáng nể. Tiếp xúc với anh Lô Thanh Hải- Trưởng phòng Y tế, chúng tôi mới hiểu rõ phần nào những vất vả, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm của những người thầy thuốc hành nghề trong môi trường đặc thù này. Theo quy trình, học viên vào trung tâm trước tiên phải “qua tay” của nhân viên phòng Y tế để thực hiện giai đoạn cắt cơn nghiện. Anh Hải cho hay, hầu hết bệnh nhân được đưa đến đây đăng ký cai nghiện khi đã nghiện nặng, thậm chí có những người đã bị nhiễm HIV nên tình trạng sức khỏe và tâm lý thường xuyên bất ổn. Sau khi được cắt cơn nghiện, các bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, tiêu chảy, bệnh gan, bệnh trĩ... kéo dài hàng tháng trời. Ở giai đoạn này, thể trạng bệnh nhân luôn thất thường và có những diễn biến phức tạp. Có thể ban ngày đang ăn uống, hoạt động bình thường nhưng đến đêm lại phải cấp cứu. Vì thế, việc chăm sóc, túc trực bệnh nhân phải đảm bảo 24/24. Khác với bệnh nhân thông thường điều trị tại các bệnh viện hoặc trạm y tế, những bệnh nhân của trung tâm thời gian đầu thường tỏ ra bất hợp tác, không chịu thực hiện theo sự chỉ bảo, hướng dẫn của các nhân viên y tế, có người trong lúc lên cơn có những hành động đòi tự tử. Cái khó nhất của các y sỹ ở trung tâm là khi tiến hành khám bệnh, do tâm lý tự ti, e ngại hoặc vì một lý do nào khác nên các học viên thường không nói thật về mức độ nghiện để đưa ra một liều lượng thuốc điều trị thích hợp. Các bệnh nhân thường báo mức độ nghiện nhẹ hơn nhiều so với thực tế, nên liều lượng thuốc không đủ để cắt cơn, dẫn đến việc kích động hệ thần kinh, gây ảo giác. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường tìm cách đòi tự tử, buộc các nhân viên y tế phải luôn để mắt tới, và thời gian cắt cơn thường phải kéo dài hơn.

Qua một thời gian tiếp xúc và điều trị các “bệnh nhân đặc biệt” này, mọi người rút ra được kinh nghiệm quý giá, để học viên nói thật tình trạng sức khỏe của mình phải nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của họ để trò chuyện. Phải bằng mọi cách chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông để xây dựng niềm tin cho bệnh nhân. Khi có được sự tin tưởng, học viên sẽ nói thật về mức độ, liều lượng sử dụng chất ma túy hàng ngày và tình trạng sức khỏe hiện tại của mình, thuận lợi cho việc khám và điều trị cắt cơn, để sớm chuyển sang giai đoạn hồi sức. Nói cách khác, các y sỹ phải trở thành những người bạn chia sẻ tâm sự, hiểu rõ hoàn cảnh và nắm chắc diễn biến tâm lý. Như vậy, bên cạnh trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, các nhân viên y tế ở đây còn phải rèn luyện kỹ năng của một chuyên gia tâm lý để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất. Điều này được thể hiện ở chỗ, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm điều trị nên số lượng bệnh nhân phải chuyển viện hoặc nhờ sự hỗ trợ của đội ngỹ y bác sỹ bệnh viện khá lớn, nhưng càng về sau con số này càng được giảm xuống.

Trưởng phòng Lô Thanh Hải từng kinh qua công tác y tế ở tuyến cơ sở, từng làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Thắng, sau đó là Trạm Y tế xã Xá Lượng. Khi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội huyện Tương Dương thành lập và đi vào hoạt động, anh làm đơn xin về công tác tại đây. Lý giải sự thắc mắc của chúng tôi về việc rời bỏ tuyến y tế cơ sở để đến công tác ở một môi trường được xem là đặc thù, chứa đựng nhiều vất vả và có lúc gặp nguy hiểm, anh Hải chia sẻ: “Xác định về đây sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn, nhưng vì trách nhiệm, tôi đưa ra quyết định đó. Về đây được gần nhà, có điều kiện hơn trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Và khi còn làm ở trạm y tế xã, nhiều lần chứng kiến cảnh các con nghiện vật vã, sốc thuốc chết, rồi cảnh nhiều gia đình tan nát, bất hạnh và tù tội vì ma túy, tôi muốn góp sức mình để mong cho các bản làng bớt đi những cảnh đau buồn ấy.

Điều đáng nói là những người nghiện ma túy hiện nay hầu hết là lớp trẻ, thường là lứa tuổi thanh thiếu niên, và tôi cũng muốn góp phần cứu chữa tương lai cho họ, dù sao đó cũng là đồng bào của mình”. Trong câu chuyện của mình, anh Lô Thanh Hải kể lại một vài tình huống đã trở thành kỷ niệm để mỗi khi nhớ đến nó lại nhắc nhở anh giữ vững bản lĩnh, phẩm chất và tấm lòng của một thầy thuốc đối với những “bệnh nhân đặc biệt”. Có lần, trung tâm tiếp nhận một học viên mới có thân hình gầy gò, mặt bặm trợn với vô số những vết sẹo, thái độ lúc nào cũng tỏ ra bất cần.

Theo quy trình, sau khi làm thủ tục, học viên được tiến hành khám lâm sàng để phân về các phòng sinh hoạt. Học viên này nhất quyết không chịu khám, không chịu cho ai chạm đến thân thể của mình. Anh ta tuyên bố: “Tôi có vũ khí trong người, ai chạm vào thì sẽ biết tay!”. Đang đứng bên ra sức thuyết phục, bất ngờ anh Hải bị học viên này dùng một vật sắc nhọn để không chế với một thái độ hung hãn. Rất may, các học viên khác đã kịp thời can thiệp, tước vũ khí và cùm tay được anh này. Về sau, học viên này lại tỏ ra có ý thức trong quá trình điều trị và sau này là quá trình giáo dục, lao động, được đưa vào đội tự quản. Đến nay, anh đã về đoàn tụ, cùng lao động sản xuất với gia đình được hơn một năm.

Có lần, một học viên khác mới vào nói không đúng về mức độ sử dụng ma túy và tình trạng sức khỏe của mình, nên việc cắt cơn không hiệu quả. Sang ngày thư hai, anh ta lên cơn co giật mạnh và húc đầu vào tường tự tử, các nhân viên y tế phải ra sức cứu chữa vết thương và đưa vào danh sách phải thường xuyên lưu ý. Thế nhưng, đến nửa đêm, thấy học viên này nằm run lẩy bẩy trong chăn, kiểm tra thì thấy máu trong miệng đang trào ra. Nguyên nhân là do anh ta cắn lưỡi để tiếp tục thực hiện ý đồ tự tử. Đến lúc này, phải nhét gạc vào miệng, còng tay và áp dụng biện pháp tiêm thuốc an thần liều cao.

Cùng phòng làm việc với anh Lô Thanh Hải có hai y sỹ nữa là Lương Văn Tào và Và Bá Thái. Lương Văn Tào sinh năm 1985, quê ở bản Chon, xã Xiêng My. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An, Tào nộp hồ sơ xin về công tác tại trung tâm. Anh cho biết: “Thời gian đầu, công việc hết sức khó khăn, vì ở trường chưa được học các phương pháp điều trị cắt cơn và cai nghiện nên phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, mọi việc đã quen dần”. Khi được hỏi vì sao lại nộp hồ sơ về đây, Tào trả lời: “Bản Chon và xã Xiêng My quê em nhiều người nghiện lắm, bạn bè cùng lứa với em cũng nghiện rất nhiều. Dính vào con đường nghiện ngập thì coi như mất hết tương lai nên em muốn giúp những người trót dại này tìm lại tương lai của mình”. Và Lương Văn Tào cũng không thể nào quên lần một học viên bỏ trốn về nhà. Anh được phân công vào xã Yên Tĩnh phối hợp với công an viên thuyết phục, nếu không được thì bắt học viên này trở lại trung tâm. Biết có người của trung tâm vào tìm, anh này leo lên mái nhà để trốn. Bị phát hiện, anh ta nhảy xuống, Tào lại tiếp cận lập tức bị nhận một cú đá mạnh đến mức té ngửa, choáng váng mặt mày. Lúc ấy, anh công an viên có mặt kịp thời để khống chế và còng tay đối tượng. Mỗi ca trực kéo dài tới 2 ngày, sau 2 ngày đó Tào lại vượt chặng đường hơn 80 km để về với gia đình, vợ con. Còn Và Bá Thái kém Tào 1 tuổi, quê Thái ở tận bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Từ Thị trấn Hòa Bình về nhà y sỹ người Mông này phải đi một chặng xe khách, rồi 3 giờ đồng hồ đi xuồng máy ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, rồi lại đi bộ khoảng 6 tiếng nữa mới đến nơi. Về đến nhà phải mất hơn 1 ngày, nên Thái không thể về vào các ngày nghỉ, khoảng 1 tháng mới sắp xếp về thăm nhà được một lần...

Trước lúc chia tay, Giám đốc Lô Văn Phương, cũng đã từng công tác trong ngành Y chia sẻ: “Đối với anh em chúng tôi, niềm vui lớn nhất là cắt cơn nghiện cho các học viên một cách hiệu quả, an toàn, hồi phục sức khỏe để họ tích cực học tập và tham gia lao động sản xuất. Và đến khi hết kỳ hạn cai nghiện, họ trở về với gia đình, bản làng, trở thành những công dân có ích cho xã hội, gặp lại thấy họ vui vẻ, tự tin chào hỏi, chúng tôi thấy mình đã làm được một việc có ý nghĩa”.

Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Tin mới