'Nội soi' các đối thủ Indonesia và Iraq

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trận đấu thứ 2 ở bảng D ASIAN Cup 2023 giữa Đội tuyển Iraq và Đội tuyển Indonesia (3-1) diễn ra vào ngày 15/1, chậm hơn 1 ngày so với trận mở màn giữa Đội tuyển Nhật Bản và Đội tuyển Việt Nam (4-2).

Đây sẽ là cơ hội để cả 2 đội xuất trận sớm có dịp nghiên cứu kỹ lực lượng và lối chơi của đối thủ đá sau, theo cách “tọa sơn quan hổ đấu”.

Truyền thông đã nói rõ trong ngày 15/1, Đội tuyển Việt Nam tiến hành tập luyện ngay và đương nhiên, ông Philippe Troussier không thể bỏ qua dịp “xem giò, xem cẳng” đối thủ, sẵn sàng cho cuộc đối đầu với Đội tuyển Indonesia vào ngày 19/1 tới đây.

4184782709328263215467861005849778700126973n-17052373810721704925398-2505.jpeg
AFC gọi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản là trận hay nhất kể từ đầu giải. Ảnh: thanhnien

Trước hết, Đội tuyển Indonesia bước vào kỳ ASIAN Cup với loạt trận giao hữu thảm hại (2 trận thua Lybia với tổng tỷ số 1-5, thua Iran 0-5) nhưng không thể coi đó là “bộ mặt thật” của đội bóng xứ vạn đảo. Trận đấu gặp đối thủ mạnh là Đội tuyển Iraq cho thấy Đội tuyển Indonesia có nét mới so với trước đây, trước hết là dàn 7 cầu thủ nhập tịch với thể hình tốt, thể lực dồi dào, tự tin đối đầu với bất cứ đối thủ nào ở châu lục. Lần lượt các cầu thủ nhập tịch đã được tung vào sân trong trận đấu nói trên như Amat, Bagott, Ridho, Hubner, Klok, Arhan, Struick.

Quả ném biên vào vòng cấm đối thủ để khai thác bóng 2 và ghi bàn của Indonesia tiếp tục được áp dụng và suýt nữa tiền đạo Marselino đã làm nên chuyện khi sút bóng dội xà ngang Đội tuyển Iraq ở ngay đầu hiệp 1. Lối chơi truyền thống là tấn công biên của các học trò ông Shin Tae-yong vẫn được triển khai mạch lạc và hiệu quả, như bàn thắng Marselino gỡ hòa 1-1 ở cuối hiệp 1 cho thấy đây là vũ khí không thể xem thường…

Tuy nhiên, kết quả 2-1 ở hiệp 1 và kết thúc 3-1 (chưa kể một bàn thắng rất đẹp mắt của Iraq không được công nhận sau khi tham khảo VAR) dành cho Đội tuyển Iraq lại nói lên rất nhiều điều về sự non kém của hàng thủ Đội tuyển Indonesia dù phần lớn được bố trí các cầu thủ nhập tịch. Thể hình tốt nhưng không thể nói thể lực đảm bảo, chơi gắn kết của cả cầu thủ nhập tịch lẫn nội binh Indonesia. Từ phút 70 trở đi, các cầu thủ Indonesia xuống sức nên cuộc chơi hoàn toàn do Iraq nắm giữ. Và nên nhớ, trong vòng 20 phút đầu tiên ít nhất 3 lần tiền đạo Ali (10) của Iraq có cơ hội ghi bàn trước cầu môn Indonesia sau những pha phối hợp trung lộ hoặc áp sát khiến hàng thủ Indonesia lúng túng mất bóng, dù ở phút 17 tiền đạo nhanh nhẹn này ghi được bàn mở tỷ số. Đội tuyển Indonesia đã buộc phải chơi phòng ngự co cụm, tìm kiếm cơ hội phản công và chỉ một lần thành công với chiến thuật này với pha phản công bên cánh phải như đã nói ở trên...

Như vậy, những tuyên bố hùng hồn về việc có điểm trước Iraq tương đương một trận hòa đã nhanh chóng tan thành mây khói sau trận đấu mở màn. Một tuyên bố quan trọng nữa là “3 điểm trước Việt Nam” của ông Shin Tae-yong, vì vậy xem ra cũng mơ hồ và mỏng mảnh không kém khi gần như đội bóng này đã bộc lộ mọi mặt trước đối thủ, ít nhất là trong những “nội soi” nói trên mà chắc chắn ông Troussier và các cộng sự đã biết rõ, nắm chắc để tìm cách khắc chế và khai thác hiệu quả?

Đối thủ Iraq vừa mới đối đầu Đội tuyển Việt Nam ở trận lượt đi Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 (1-0) nên cả hai sẽ không còn xa lạ gì nhau. Đương nhiên, tính chất 2 giải đấu khác nhau, lực lượng cũng có những biến chuyển cần lưu ý. Sau trận đấu để thua nhưng có nhiều dấu ấn trước Nhật Bản, ông thầy Troussier thậm chí đã nói đến ngôi nhì bảng D nếu học trò thi đấu thăng hoa, đồng nghĩa với việc đạt kết quả tốt trước cả Iraq lẫn Indonesia? Cụ thể là một trận hòa hoặc hơn trước Iraq và một trận thắng trước Inonesia, là có cơ sở để chiếm ngôi nhì, sau Nhật Bản?

Có thể một trận thua sát nút ở phút bù giờ cuối cùng trước Iraq mới đây, trong khi lực lượng và lối chơi của Đội tuyển Việt Nam đã tiến bộ trông thấy nên ông Troussier hy vọng và tin tưởng ở một kết quả tốt sắp tới, mà không phải là sự “lên dây cót” đơn thuần như thường thấy ở các chiến lược gia? Hy vọng là quyền của bất kỳ ai và không phải… đóng thuế, chuyện phát ngôn hùng hồn trước mỗi trận đấu, giải đấu là điều quen thuộc. Chỉ có điều thực tế là Đội tuyển Iraq từng vô địch ASIAN Cup và lần này họ cũng được coi là ứng viên vô địch.

Thể hình tốt, thể lực đảm bảo cho phép họ “tra tấn” đối thủ bằng lối chơi tốc độ, áp sát, khai thác triệt để mọi khoảng trống và sai lầm của đối thủ. Tiền đạo cắm Ali luôn biết cách phối hợp trung lộ để chiếm lĩnh vị trí hạ gục đối phương, mà bàn thắng trước Indonesia là một ví dụ cụ thể. Bàn thắng thứ 2 trong trận đấu nói trên cũng chính là những gì Iraq từng làm được trong trận gặp Việt Nam trên sân Mỹ Đình vừa qua, khi họ biết cách khai thác nhanh nhất, hiệu quả nhất một cơ hội cỏn con để kết liễu đối thủ. Bàn thắng thứ 3 của tiền đạo cao lớn Aymen cho thấy sức mạnh vượt trội của đội bóng Tây Á để họ có thể chiến thắng cả trung vệ nhập tịch của Indonesia trong một pha tì đè không chiến, giữ nguyên thăng bằng để sút cháy lưới từ một khoảng cách gần…

Câu chuyện trước mắt, cần kíp của Đội tuyển Việt Nam là giành kết quả tốt nhất trước Đội tuyển Indonesia rồi sau đó mới dồn mọi toan tính cho cuộc đấu cuối cùng với Đội tuyển Iraq. Nghĩa là, sau khi “biết địch, biết ta”, ông Troussier sẽ biết cách giúp cho những Duy Mạnh, Văn Thanh, Văn Toàn, Quang Hải từng được giữ sức trước đó sẽ cùng đồng đội phát huy cao nhất sức mạnh cá nhân và sức mạnh tập thể, tự tin thi đấu để giành chiến thắng trong trận đấu cân não với Indonesia. Kết quả từ “nội soi” 2 đối thủ ở bảng D là một phần không thể thiếu trong hệ thống kế hoạch tập luyện, đấu pháp, giải pháp… của Đội tuyển Việt Nam sắp tới, nên bắt buộc ban huấn luyện phải dày công, tinh tường và cao tay “độc vị” đối thủ nhằm tạo lợi thế cho mình từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu./.

Tin mới