Nông dân Nghệ An đầu tư tiền tỷ nuôi con 'ăn đêm, ngủ ngày'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vài năm trở lại nay, mô hình nuôi chồn hương sinh sản và bán thịt chồn thương phẩm đã manh nha ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Giá chồn thịt cao, đầu ra ổn định, nên đây đang là mô hình được đánh giá có nhiều triển vọng…

bna_chuồng đánh số.jpg
Mô hình nuôi chồn hương ở xã Bắc Sơn (Đô Lương). Ảnh: Hoài Thu

Sau quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm các trang trại nuôi chồn ở Vĩnh Long, Cần Thơ, đầu năm 2023, anh Trần Hữu Thành ở xóm 4, xã Bắc Sơn (Đô Lương) đầu tư chuồng trại để nuôi chồn hương sinh sản. Hơn 1 tỷ đồng được anh dốc vào làm hệ thống chuồng hiện đại, khép kín tại 2 cơ sở ở xã Bắc Sơn và xã Đặng Sơn.

Chuồng nuôi chồn được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 3 - 5m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt, bố trí trên giá đỡ cách nền từ 1-1,5m để thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại. Mỗi ô chuồng đều được bố trí rộng rãi giúp chồn có không gian vận động; dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô thoáng, tránh ẩm thấp.

Trong chuồng lắp đặt camera, máy đo nhiệt độ, nước tự động; chuồng được phân chia thành các khu riêng biệt: Khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn vợ chồng, khu nuôi chồn sơ sinh… Tùy giai đoạn phát triển, sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1-2 hoặc nhiều con. Từ tháng 2/2023, 30 cặp chồn giống từ tỉnh Vĩnh Long, với giá trên 600 triệu đồng được được anh Thành đưa về nuôi.

bna_đo nhiệt.jpg
Trong chuồng lắp đặt hệ thống camera, máy đo nhiệt độ, nước tự động... Ảnh: Thanh Phúc

“Mặc dù đây là vật nuôi mới mẻ nhưng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ. Điều quan trọng nhất trong nuôi chồn là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa Hè; ấm vào mùa Đông và luôn sạch sẽ. Người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài, biết được cá tính của từng con chồn để có cách chăm sóc phù hợp”, anh Thành cho biết.

Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào các buổi chiều, do tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Nước uống cho chồn phải sạch và qua xử lý kỹ nhằm tránh các bệnh liên quan đến đường ruột.

bna_thức ăn chuối.jpg
Thức ăn của chồn là chuối và cá, tôm, cua. Ảnh: Hoài Thu

Sau 9 tháng nuôi, hiện nay, đàn chồn phát triển tốt, có 4 cặp chồn đã sinh sản. Chị Trần Thị Oanh - công nhân phụ trách chăm sóc chồn cho biết: “Chồn mẹ 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng Ba đến tháng Bảy. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để phòng ngừa chồn mẹ sau khi sinh thiếu chất sẽ ăn con non. Chồn con nuôi khoảng 10-12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản”.

Hiện tại, trang trại của anh Thành đang tập trung nhân giống, mở rộng quy mô chuồng trại để có lượng chồn ổn định thì mới kết nối đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Nuôi chồn hương, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng chi phí chăn nuôi ít, nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, ít công chăm sóc và có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

bna_tham quan.JPG
Chuồng được làm bằng lồng sắt, kê cao cách mặt đất nhằm tạo độ thoáng. Ảnh: Thanh Phúc

“Chồn hương được chế biến thành các món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn. Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn, thương lái từ các nơi đã liên hệ đặt mua chồn giống, chồn thịt trước, nhưng hiện chúng tôi chưa đủ nguồn cung”, anh Thành cho biết.

Ở một số địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi chồn hương thương phẩm như: Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu… Theo tính toán, mỗi ngày, chi phí thức ăn cho chồn chỉ tốn khoảng 2.000-3.000 đồng/con, thậm chí nhiều hộ nuôi có thể khép kín, tự cung, tự cấp để tiết giảm tối đa chi phí.

bna_cặp chồn.jpg
Hiện mỗi cặp chồn giống có giá dao động từ 12-20 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi đó, trung bình mỗi năm, 1 con chồn mẹ thuần dưỡng có thể sinh sản 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6-8 triệu đồng/cặp, từ 3-4 tháng giá 8-10 triệu đồng/cặp, chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 2,2-2,5 triệu đồng/kg. Tính ra, nếu nuôi thành công và có đầu ra ổn định thì chồn hương là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhất, lãi nhiều nhất so với các vật nuôi khác.

Ông Nguyễn Bá Châu - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương cho biết: “Hiện huyện đang khuyến khích và tích cực hỗ trợ các mô hình sản xuất theo hướng đầu tư công nghệ cao, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Đối với mô hình nuôi chồn hương, đây là hướng chăn nuôi mới, cùng với sự đầu tư mạnh dạn của các hộ gia đình, chính quyền hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các thủ tục đảm bảo tính pháp lý, thuận lợi để phát triển”.

Clip: Phúc - Thu

Tin mới