Người Khơ Mú đan lát để thoát nghèo

Người Khơ Mú đan lát để thoát nghèo

(Baonghean.vn) - Người Khơ Mú được xem là một trong những “ông tổ” của nghề đan lát. Những vật dụng được cộng đồng người Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) làm ra vốn chỉ để dùng sinh hoạt trong gia đình, nay đã trở thành hàng hóa giúp cả bản thoát nghèo.

bna_1.jpeg
Bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) là nơi định cư lâu đời của hơn 100 hộ dân người Khơ Mú. Trước đây, người Khơ Mú nơi đây sống trong đói nghèo, kinh tế dựa vào nương rẫy, tự cung, tự cấp là chính. Ảnh: Đào Thọ
bna_2.jpeg
Cộng đồng người Khơ Mú vốn có truyền thống làm nghề đan lát. Những vật dụng họ làm ra trước đây chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Ông Lữ Văn Liên (63 tuổi) cho hay: Những người con trai Khơ Mú ở bản sinh ra đã có năng khiếu đan lát. Chỉ cần đứng nhìn người lớn đan thì vài ba hôm đã có thể bắt tay vào làm. Hiện trong bản có 30 hộ làm nghề đan lát, sản phẩm làm ra được bán đi khắp nơi, vì thế, dần dần xóa được đói nghèo. Ảnh: Đào Thọ
bna_3.jpeg
Sản phẩm của người dân làm ra chủ yếu là mâm mây, ghế mây. Nguyên, vật liệu được tận dụng từ nguồn sẵn có trong rừng. Khi đem về phải mang phơi khô mới đem lại độ bền. “Ngoài việc đan đẹp thì sản phẩm cần tới độ bền. Muốn bền, trước lúc đan phải phơi đủ nắng để những sợi mây, tre dẻo lại” - anh Lữ Văn Đức chia sẻ. Ảnh: Đào Thọ
bna_4.jpeg
Hầu hết người dân ở bản Đỉnh Sơn 1 hiện nay vẫn giữ nguyên cách làm thủ công. Các công đoạn đan lát phải được thực hiện hết sức tỉ mỉ và khéo léo. Trung bình từ 3-5 ngày mỗi người thợ lành nghề có thể hoàn thành 1 chiếc mâm mây. Mâm tùy loại lớn, nhỏ được bán với giá 600.000 đồng đến vài triệu đồng. Ảnh: Đào Thọ
bna_5.jpeg
Ông Lữ Văn Vân ở bản Đỉnh Sơn 1 là người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề. Ông được đánh giá là người đan ghế mây đẹp nhất, nhì bản. Theo ông Vân, muốn ghế được chắc, bền thì việc chọn cây mây rất quan trọng, mây nhỏ dễ uốn nhưng độ bền không cao, mây lớn tuy cứng, khó uốn nhưng ngược lại có sức chống chịu với mối mọt, nên ghế có thể sử dụng được hàng chục năm trời. Ảnh: Đào Thọ
bna_6.jpeg
Các sản phẩm sau khi làm xong được đưa lên gác bếp và hong khô một thời gian dài. Sức nóng của khói bếp làm cho mâm, ghế lên màu vàng đẹp và có thời gian sử dụng lâu hơn. “Mỗi tháng kiếm được khoảng 5 triệu đồng từ đan lát, cao hơn nhiều so với làm nương rẫy. Cũng chính vì thế mà gia đình thoát được hộ nghèo” – bà Lương Thị Quế tâm sự. Ảnh: Đào Thọ
bna_7.jpeg
Những đứa trẻ người Khơ Mú đứng quan sát người lớn đan lát. Ảnh: Đào Thọ
bna_8.jpeg
Sản phẩm của người dân được mang đi bán ở trung tâm xã, huyện. Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho hay: Nhờ có nghề này mà bản Đỉnh Sơn 1 từng bước thoát nghèo, cả bản hiện không còn hộ nghèo. Xã đang đưa nguồn vốn dự án phát triển sản xuất theo Nghị quyết 88/2019/QH14 để mua máy chẻ và vót mây, với tổng nguồn vốn 100 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2023 này sẽ có máy. Khi đã đầu tư và đưa vào sử dụng, xã sẽ xây dựng làng nghề để phát triển thêm. Ảnh: Đào Thọ

Tin mới