Phát hiện Gò Ngục trong Di sản Thành nhà Hồ

Gò Ngục cùng nhiều di vật được phát hiện cách Hoàng thành 150 m về phía Tây - Nam thuộc Di sản Thành nhà Hồ được các cơ quan chức năng tiến hành khai quật, nghiên cứu.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích Gò Ngục (hay còn gọi là Góc Ngục) thuộc Di sản Thành nhà Hồ.

Nền gạch mới được phát hiện tại Gò Ngục cách Hoàng thành về phía Tây - Nam 150m (ảnh do Trung tâm di sản Thành nhà Hồ cung cấp)

Kết quả khai quật bước đầu của các nhà khảo cổ học cho thấy, đã xuất lộ nền móng hệ thống sân nền lát gạch, cống thoát nước bằng đá và hàng nghìn di vật như: ngói mũi vát, gạch bìa, gốm men, đồ sành...

Theo phát hiện của các nhà khảo cổ học, Gò Ngục có chiều rộng 1.288 m2, thuộc thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, cách Hoàng thành 150 m về phía Tây - Nam.

Nhận định của các nhà khảo cổ thì Gò Ngục có sự phát triển liên tục trong hai giai đoạn gồm, giai đoạn thời Trần - Hồ (thế kỷ 14 - 15) thì đây có thể là khu vực nhà ngục của triều đình và giai đoạn thứ hai là thời Lê Sơ (thế kỷ 15 - 16), đây có thể là đồn binh hoặc trại lính bảo vệ vòng ngoài của kinh thành.

Theo các chuyên gia UNESCO nhận định, đây là phát hiện rất quan trọng, góp phần khẳng định trung tâm kinh thành Tây Đô có sự phát triển liên tục, nối tiếp về văn hóa qua các giai đoạn lịch sử và các triều đại khác nhau, chứ không chỉ tồn tại và phát triển trong giai đoạn Trần - Hồ.

Theo (Dantri) - Q.N

Tin mới