Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Rừng Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng'

(Baonghean.vn)- Đây khẳng định của Phó Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng 17/3.

Sáng 17/3, tại Thành phố Vinh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết kế hoạch và bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng- Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Đắc Vinh - Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị. Đại diện bộ, ban, ngành Trung ương và các đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện chủ trương “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, gắn với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. 

Sau hơn 4 năm thực hiện, với sự nỗ lực và nhiều sáng kiến, cách làm mới, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn. Nổi bật, độ che phủ rừng liên tục tăng hàng năm, từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; năng suất và chất lượng rừng từng bước được cải thiện; công tác trồng rừng được các địa phương triển khai rất tích cực, hàng năm, bình quân cả nước trồng được 223 nghìn ha rừng tập trung;

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,6%/năm so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng, gấp 1,7 lần trong vòng 5 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 7,3 tỷ USD năm 2016; Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước hàng đầu trên thế giới về chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại.

Các cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, sửa đổi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng: hàng năm, cả nước thu được trên 1.200 tỷ đồng/năm, góp phần chi trả cho trên 5,0 triệu ha rừng.
 

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thành Cường.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thành Cường.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nổi bật, tuy nhiên ngành Lâm nghiệp đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức: Đời sống người dân vùng rừng còn thấp hơn rất xa so với các vùng kinh tế khác; Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở nhiều nơi cũng còn diễn biến phức tạp.

Đầu tư công của nhà nước cho bảo vệ, phát triển rừng, cho ngành Lâm nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với vai trò và giá trị to lớn mà rừng mang lại; Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp yếu, khả năng cạnh tranh thấp. Do địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, nên kém hấp dẫn trong việc huy động đầu tư, tài chính từ ngoài xã hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Cường.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Cường.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và triển khai Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được xác định là một trong số 21 chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia, tiếp nối từ các chương trình dự án đầu tư trước đây như: Chương trình 327, giai đoạn 1992-1998; Dự án 661, giai đoạn 1999-2010;  Kế hoạch bảo vệ rừng, giai đoạn 2011-2015.

a
Khai thác rừng trồng ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Chương trình lần này đã đặt ra mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”.

“Hội nghị lần này là dịp để chúng ta có cơ hội cùng nhau đánh giá những thành tựu đạt được, chia sẻ khó khăn trong thời gian qua; đặc biệt là bàn các nhiệm vụ và các giải pháp hết sức cụ thể, có tính đột phá để thực hiện Chương trình mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới”- Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Ảnh: Thành Cường
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đối với Việt Nam rừng có vị trí vô cùng quan trọng. Thực hiện chủ trương tái cấu trúc yêu cầu các ngành trong đó có ngành nông nghiệp, ngành lâm nghiệp phải đề ra chương trình phát triển rừng bền vững, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bảo vệ rừng vừa tạo ra tăng trưởng kinh tế trực tiếp và gián tiếp. Đáp ứng các yêu cầu giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân gắn xây dựng NTM, đảm bảo ANQP…

Để đạt được mục tiêu bảo vệ rừng và phát triển rừng thì phải đáp ứng được 3 yều cầu: bảo vệ thiên nhiên là nhiệm vụ số 1, phát triển và nâng cao năng suất và chất lượng của rừng và phát triển nâng cao giá trị sức cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp.

Về giải pháp bảo vệ và phát triển lâm nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý, hỗ trợ để công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả hơn nữa. Hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp.

Bộ NN&PTNT và các địa phương cần thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước; rà soát tình trạng sử dụng đất nông nghiệp thống nhất quy hoạch trên bản đồ và trên thực tế; gắn phát triển rừng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Mỗi vùng, mỗi địa phương phải xác định sản phẩm nông nghệp chủ lực, tập trung bảo vệ, đầu tư.

Ảnh: Thành Cường
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: 'Trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý, hỗ trợ để công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả hơn nữa'. Ảnh: Thành Cường

Gắn phát triển rừng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chống biến đổi khí hậu, tạo động lực huy động tham gia của toàn xã hội với công tác BV&PTR huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư bảo vệ rừng. Giao đất giao rừng, giao công tác bảo vệ phát triển rừng cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Từ đó khuyến khích hình thành các tổ chức kinh tế, lấy doanh nghiệp làm động lực để phát triển rừng, kinh tế lâm nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Phó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT hoàn thiện Luật bảo vệ và phát triển rừng để trình kỳ họp Quốc hội sắp tới; các địa phương phải  xây dựng chương trình thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

Đến năm 2015, tổng diện tích rừng cả nước là 14,062 triệu ha rừng, gồm 10,176 triệu ha rừng tự nhiên; 3,886 triệu ha rừng trồng; độ che phủ đạt 40,84% và 41,19% năm 2016. 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng đã phê duyệt Quy hoạch BV&PTR giai đoạn 2011-2020. Đến nay cả nước đã giao 11,4 triệu ha rừng, chiếm 80,8% tổng diện tích rừng và 69,3% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, đạt bình quân 6,57%/năm giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012 vượt mục tiêu đề án là đề ra là 5,5-6,0/năm. Sản lượng gỗ rừng trồng 5 năm qua tăng hơn 3,3 lần, từ 5,16 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016.

Thanh Lê 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới