Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung huy động nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm

(Baonghean.vn) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần tiếp tục cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực. Đây là 3 yếu tố tạo môi trường để ngành GTVT tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn năm 2021 -2025.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Phú Hiền – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Thanh Lê
Các đồng chí chủ trì điểm cầu Hà Nội. Ảnh Cổng thông tin Bộ GTVT

Chuyển biến trên các lĩnh vực

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành GTVT, tập trung xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phù hợp với tình hình giai đoạn mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các dự án quan trọng.

Kết quả, năm 2020 đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Công tác quản lý dịch vụ vận tải được tăng cường, tiếp tục tái cấu trúc ngành vận tải nâng cao chất lượng hiệu quả ngành dịch vụ vận tải. Chất lượng quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cao. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, phục hồi hệ thống giao thông khi gặp sự cố, thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt.

a
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Bắc – Nam; các dự án hạ tầng đô thị. Đồng thời, ngành tập trung quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đem lại kết quả tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GTVT đứng trước khó khăn thách thức như: Các dự án công trình khởi công mới ít so với quy hoạch, mục tiêu đề ra, nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ, đặc biệt các dự án quan trọng; vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu là đường bộ nhưng chưa tương xứng với yêu cầu.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mới tập trung đường bộ chưa quan tâm đến đường sắt, đường thủy, năng lực các cảng biển còn hạn chế; hạ tầng đường không mặc dù được nâng cấp xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối liên vùng, sân bay - cảng biển,…

Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được trong thời gian qua, đã tạo kết cấu hạ tầng “xương sống” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT

Theo Phó Thủ tướng, dự thảo văn kiện của Đảng lần thứ XIII khẳng định tiếp tục tạo đột phá chiến lược trong đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ.

Để đạt được mục tiêu đó, yêu cầu Bộ GTVT cần phải tiếp tục cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực. Đây là 3 nhân tố tạo môi trường để ngành GTVT phát triển.

Nhất là ngành GTVT cần tiếp tục tạo đột phát phát triển hạ tầng giao thông, tập trung huy động nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, tiếp tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam, phía Tây, Đông Nam Bộ, kết nối Thủ đô Hà Nội - Tây Bắc, cao tốc liên vùng; nâng cấp mở rộng các cảng hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia, đường sắt vùng, đường sắt tốc độ cao; đầu tư nâng cấp cảng biển; kết nối đồng bộ giao thông khu kinh tế - khu công nghiệp, hoàn thành các dự án đô thị.

Kiểm tra dự án đường ven biển đoạn qua phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thanh Lê
Sở Giao thông Vận tải Nghệ An kiểm tra dự án đường ven biển đoạn qua phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thanh Lê

Nhấn mạnh năm 2021 là năm vô cùng quan trọng, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021 -2025, ngoài thực hiện nhiệm vụ của ngành, đây là năm chuẩn bị cho kế hoạch các năm tiếp theo, khối lượng công việc lớn cần tập trung cao độ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần nhanh chóng triển khai chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Song song, ngành cần tiếp tục cải cách thể chế, rà soát hoàn thành quy hoạch ngành Giao thông theo Luật Quy hoạch đảm bảo chất lượng; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn, các dự án trọng điểm, cao tốc đường sắt, nội thị, hệ thống cảng biển.

Cùng đó, ngành cần chủ động đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư; tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải; phát triển dịch vụ logistic, phối hợp các bộ, ngành giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tích cực phòng, chống dịch Covid -19; bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy năng cao năng lực quản lý nhà nước, các cơ quan tham mưu doanh nghiệp,…

Tin mới