Phòng tránh bệnh viêm cầu thận cấp

(Baonghean) - Viêm cầu thận cấp thường xẩy ra ở tuổi thiếu niên (từ 5 - 15 tuổi), người lớn ít gặp hơn. Thông thường nguyên nhân của bệnh là do nhiễm khuẩn ở họng, amidan hay nhiễm khuẩn da. Bệnh thường gặp về mùa đông hoặc đông xuân sau viêm họng. Vi khuẩn chính gây bệnh viêm cầu thận cấp là liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A. Ngoài ra, các vi khuẩn khác như tụ cầu, phế cầu, virut... cũng có thể gây ra viêm cầu thận cấp. Biểu hiện đầu tiên và dễ thấy của bệnh là phù mi mắt, buổi sáng khi ngủ dậy thấy mi mắt mọng, mất các nếp nhăn, sau đó xuất hiện phù toàn thân, cân nặng tăng nhanh, đái ít, đái ra máu. Nếu nhẹ thì không đái ra máu nhưng xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu và protein. Viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn ở họng thì phù thường xuất hiện sau 10 - 12 ngày. Còn nếu sau nhiễm khuẩn ngoài da (chốc nhọt, ghẻ, viêm da...) thì phù xuất hiện sau đó khoảng 3 tuần. Nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần thì sẽ dẫn đến viêm cầu thận mạn rất khó chữa. Nếu điều trị tích cực thì khoảng 80 - 90% sẽ khỏi bệnh và 10 - 20% có thể bị viêm cầu thận mạn, lâu dần dẫn đến suy thận mạn.
 
Để đề phòng viêm cầu thận cấp, cần giữ ấm cho trẻ tránh bị viêm mũi họng, giữ vệ sinh thân thể để tránh viêm nhiễm da... Khi bị các bệnh nhiễm khuẩn cần được khám và điều trị tích cực, cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sỹ để tránh những biến chứng nặng có thể gặp như: suy thận cấp, suy tim cấp, phù não cấp đe doạ tính mạng.

Thuý Hiền - Tổng hợp

Tin mới