Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn

(Baonghean) - Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra do vi phạm nồng độ cồn, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, hơn hết cần ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện.
Đội CSGT 1.7, Phòng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ cồn  đối với lái xe  tại tuyến  giao thông  Quốc lộ 7A.
Đội CSGT 1.7, Phòng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe tại tuyến giao thông Quốc lộ 7A.
16h tại ngã tư đường Nguyễn Sỹ Sách giao với Đại lộ Lê nin, tổ tuần tra của Đội CSGT Công an TP. Vinh dựng cọc tiêu, biển báo chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn một giờ đồng hồ đã có 4 trường hợp vi phạm và mỗi người có một thái độ chấp hành khác nhau đối với việc kiểm tra của lực lượng CSGT. Anh Nguyễn Đình Vũ (trú tại xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 38C-030XX, sau khi kiểm tra có kết quả nồng độ cồn vượt 0,4 miligam/lít khí thở đã nhận rõ vi phạm, chấp hành ký vào biên bản nộp phạt, đồng thời gọi điện cho người nhà đến đưa về.
Tương tự, anh Phan Sỹ Hùng (trú ở khu dân phố 3, phường Đậu Liêu, TP. Hà Tĩnh) điều khiển xe mô tô mang BKS 38L 452X, sau khi kiểm tra có nồng độ cồn là vượt 0,4 miligam/lít khí thở cũng đã chấp hành việc lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt và đón taxi về nhà. Tuy nhiên, 2 trường hợp điều khiển xe máy còn lại, một thanh niên tên Mạc Thanh T. (SN 1979, trú ở phường Quang Trung, TP. Vinh) nói lý lẽ trong tình trạng say và không chịu thổi. Đến khi lực lượng đưa máy ghi hình đến T. mới chịu thi hành. Máy đo nồng độ cồn báo kết quả 123,6 miligam, vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Nhưng T. không chịu ký biên bản... Hơn 10 phút sau, tổ làm nhiệm vụ phải dùng các giải pháp “rắn”, T. mới chịu ký vào biên bản xử phạt với 3 lỗi: sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép; không mang giấy tờ; đi sai phần đường, làn đường. Trường hợp Nguyễn Quang M. (trú tại Nghi Xuân, Nghi Lộc), sau khi kiểm tra nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,4 miligam/lít khí thở thì bỏ đi không ký vào biên bản vi phạm mà CSGT đã lập… 
Trung tá Nguyễn Duy Hà, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Vinh, cho biết: Việc đo nồng độ cồn còn gặp khó, bởi khi dừng phương tiện, người say rượu hay “nói lý”, to tiếng. Khi thổi không đúng quy trình, khi bị lập biên bản thì không ký mà bỏ đi… Những trường hợp như vậy thường phải có máy ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Ngoài ra, với những trường hợp la lối, không chấp hành, lực lượng buộc phải “cưỡng chế” đưa về trụ sở để giải quyết. 
Theo thống kê, từ 15/12 đến nay, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 723 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Riêng Công an TP. Vinh đã xử lý 80 trường hợp (8 trường hợp điều khiển xe ô tô và 82 trường hợp điều khiển xe mô tô) và xử phạt 231 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 31 trường hợp, tạm giữ 92 phương tiện. 
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT phát hiện, xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn thường là gián tiếp - từ kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm khác như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, không đội mũ bảo hiểm… Vì vậy, cũng có những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái say xỉn vẫn thoát khỏi “tầm ngắm” của lực lượng chức năng”. Chưa nói việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn còn gặp trở ngại nữa, đó là máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ này còn thiếu và lạc hậu.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh cho rằng, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Chính vì thế, ngày 25/11/2014, Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 356/KH-UBATGTQG về kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo đó, lực lượng CSGT Đường bộ, Đường sắt Công an tỉnh triển khai chia làm 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát (bắt đầu từ ngày 15/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015). Trong đó, tập trung kiểm tra tại các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, tuyến đường nội thành... Ngoài việc kiên quyết xử lý vi phạm, lực lượng sẽ lồng ghép với công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia, qua đó giúp họ nhận thức được rằng, khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe, cách tốt nhất là nhờ người lái giúp hoặc đón taxi về, tránh gây tai nạn giao thông, để lại hậu quả xấu cho gia đình, xã hội.
Rõ ràng, cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; bản thân mỗi người dân cần nhận thức rõ những hiểm họa mà việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ:
- Phạt tiền từ 8-10 triệu đồng nếu người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
- Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Quảng An
TIN LIÊN QUAN

Tin mới