Biển đảo và công tác tuyên truyền trong tình hình mới

(Baonghean) - Thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thông tin đối ngoại 2015 - 2017 của Chính phủ. Vì thế, chủ quyền biển, đảo là vấn đề thu hút sự quan tâm đáng kể tại Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và triển khai Nghị định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức ngày 4/11 vừa qua tại Hà Nội. 

Thực tế đáng lo ngại 
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được truyền đạt những thông tin mới nhất về tình hình chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó nổi bật có tình hình Biển Đông. Đánh giá về tình hình Biển Đông năm 2015, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp và có bước leo thang mới đáng lo ngại”. Ông Nghiêm lý giải nhận định này bằng dẫn chứng rằng trong 10 tháng qua Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động trên thực địa, phá vỡ nguyên trạng, mở rộng kiểm soát trên biển, tạo bước leo thang mới, từng bước hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này. 
BĐBP Nghệ An tuyên truyền pháp luật, chủ quyền biển, đảo cho ngư dân. 	 	Ảnh: lê thạch
BĐBP Nghệ An tuyên truyền pháp luật, chủ quyền biển, đảo cho ngư dân. Ảnh: Lê Thạch
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta hồi tháng 5/2014, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ráo riết xây dựng trái phép tại các khu vực trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã tự ý xây dựng, nâng cấp các đảo ở Hoàng Sa, thi công 85 hạng mục dân sinh, phun cát, bồi đắp, mở rộng trái phép 7 cấu trúc bãi cạn, đá ở Trường Sa, với tổng diện tích 1.200 ha,… cơ bản hoàn thành việc lấn biển quy mô lớn, xây kè các đảo đá, Trung Quốc đang gấp rút quân sự hóa các vị trí Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập,… bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế.
BĐBP tỉnh thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển.
BĐBP tỉnh thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển. Ảnh: Lê Thạch
Nhìn lại công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam trong năm 2015, nhất là lĩnh vực tuyên truyền biển, đảo, vẫn tồn tại những mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta chưa tập trung đúng vào việc phản bác nội dung luận điểm lớn nhất của Trung Quốc trong vấn đề đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam. Thứ hai, những nội dung tuyên truyền để bác bỏ, lật tẩy những lời lẽ biện hộ cho việc xây đảo trái phép của Trung Quốc cũng chưa được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả. Thứ ba, thay vì tập trung tuyên truyền phục vụ công tác thông tin đối ngoại, một số lại sa vào những nội dung không đáng đề cập, trong vài trường hợp còn có khả năng kích động tâm lý thù ghét giữa các dân tộc.
Chính vì còn tồn tại một số bất cập như trên nên vô hình trung đã tạo ra cảm giác năm 2015, tình hình có vẻ “sóng yên biển lặng”, dù thực tế không phải vậy. Những diễn biến trên Biển Đông cho thấy những hoạt động nghiêm trọng và nguy hiểm của Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền của Việt Nam và lợi ích của các nước láng giềng trong khu vực cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Trung Quốc thay đổi nguyên trạng tình hình Biển Đông, khiến cho không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, Australia, Nhật Bản,… thực sự quan ngại.
Định hướng đẩy mạnh tuyên truyền
Trong thời gian tới, nhiều khả năng tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới là phải tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền biển, đảo để góp phần thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
123
BĐBP Nghệ An giúp ngư dân thu dọn ngư lưới cụ phòng tránh bão. Ảnh: Lê Thạch
Khẳng định luận điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh một số công việc cần triển khai để đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Theo đó, trước yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, các Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí ở các tỉnh, thành phố cần quan tâm triển khai các công việc trọng tâm liên quan đến công tác thông tin đối ngoại. Phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, và rộng hơn là phục vụ và đáp ứng yêu cầu mới của công tác thông tin đối ngoại, cần lưu ý đẩy mạnh các nội dung sau đây: Thứ nhất, khẩn trương, tích cực nghiên cứu quán triệt, triển khai nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng triển khai hoạt động thông tin đối ngoại. Các địa phương chưa gắn kết với nhau, chưa có sự gắn kết Trung ương với địa phương, sự gắn kết giữa các cơ quan báo chí, các sở thông tin và truyền thông ở các địa phương, các ban chỉ đạo và ban tuyên giáo chưa tốt, phải làm tốt hơn, quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực chỉ đạo về công tác thông tin đối ngoại.
Thứ ba, kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại ở các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố.
Thứ tư, quan tâm nâng cao chất lượng các kế hoạch đề án, dự án, tăng số lượng các hoạt động thông tin đối ngoại thiết thực, hiệu quả.
456
Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh biểu diễn kịch tuyên truyền cho nhân dân ven biển về phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền. Ảnh: Lê Thạch
Thứ năm, xây dựng triển khai các chương trình thông tin, quảng bá hình ảnh quốc gia, với quy mô lớn ở cả trong và ngoài nước, xây dựng biểu tượng đặc trưng cho hệ thống giá trị tiêu biểu của Việt Nam.
Thứ sáu, nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, trong các vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là xung quanh vấn đề Biển Đông, tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ và thể hiện lòng yêu nước bằng hành động thực tế, thiết thực. Thứ bảy, sử dụng mạng xã hội, diễn đàn mạng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cùng với đó là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Làm theo lời dạy của Bác, công tác thông tin đối ngoại gắn với tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đang được chỉ đạo tăng cường, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề chủ quyền biển, đảo của đất nước, khơi dậy lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc trong mỗi người con Việt Nam. Để rồi từ đó, sức mạnh tổng hợp của toàn thể dân tộc được phát huy mạnh mẽ, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN

Tin mới