Xây dựng lực lượng dân quân biển Quỳnh Lưu

Năm 2007, Bộ CHQS Nghệ An chọn 6 xã ven biển Quỳnh Lưu để xây dựng điểm về mô hình trung đội dân quân biển. Sau hơn 3 năm thực hiện, các trung đội dân quân biển được chọn xây dựng điểm đã đi vào hoạt động có nề nếp và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng, để phát huy hiệu quả và xây dựng lực lượng dân quân biển Quỳnh Lưu ngày càng vững mạnh, thì vẫn còn nhiều khó khăn.
 
Với 34 km bờ biển, có 3 cửa sông, dân số làm nghề đánh bắt thủy hải sản lớn. Những năm trước, vùng biển Quỳnh Lưu có thời gian trở thành điểm nóng về buôn bán hàng lậu và sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản, gây ô nhiễm môi trường biển. Trước tình hình đó và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ CHQS Nghệ An đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu lấy 6 xã vùng ven biển để xây dựng điểm trung đội dân quân biển gồm: Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh và Quỳnh Lập. Mỗi trung đội gồm 15 đồng chí biên chế thành 3 tiểu đội, được tổ chức trên 3 tàu đánh cá của ngư dân.

 Huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho lực lượng dân quân biển xã Sơn Hải.

Dưới sự chỉ đạo của Ban CHQS huyện, thời gian qua, đã tổ chức các hoạt động như: thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với Đồn Biên phòng 148 và Đồn 144, Bộ đội Biên phòng Nghệ An thông báo tình hình trên biển; tuyên truyền về Luật biển cho ngư dân; tổ chức tuần tra, tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lụt... Từ ngày thành lập đến nay, lực lượng dân quân biển ở Quỳnh Lưu đã phối hợp với các lực lượng đẩy đuổi, bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm an ninh trật tự trên biển. Vào mùa mưa bão hàng năm, các trung đội dân quân biển ở Quỳnh Lưu đã cứu hộ, lai dắt nhiều phương tiện tàu thuyền gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Với những đóng góp đó, những năm qua lực lượng dân quân biển ở Quỳnh Lưu đã góp phần đáng kể vào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển.
 
Tuy nhiên, lực lượng dân quân biển ở Quỳnh Lưu vẫn chưa phát huy hết khả năng, vai trò trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự trên biển. Do còn nhiều khó khăn, bất cập như chưa có chế độ, chính sách riêng cho lực lượng dân quân khi tham gia huấn luyện, hoạt động trên biển mà đang ở dạng trợ cấp. Do thiếu chỉ đạo, hướng dẫn và chưa có chế tài cụ thể nên dân quân khó phân biệt lúc nào làm kinh tế, lúc nào đi làm nhiệm vụ. Trong nội dung hoạt động có đề cập đến dân quân phối hợp tuần tra biển đảo, nhưng quyền hạn xử lý các vi phạm trên biển của họ đến đâu thì chưa được quy định cụ thể. Đặc biệt về trang bị, công cụ hỗ trợ và phương tiện thông tin liên lạc còn thiếu thốn.
 
Ông Trần Quốc Trung, Xã đội trưởng xã Sơn Hải cho biết: Để phát huy hiệu quả lực lượng dân quân biển vào thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên biển, tham gia cứu hộ, cứu nạn thì cần trang bị cho lực lượng này một số phương tiện cần thiết như ống nhòm, máy bộ đàm Icom, áo phao... Đồng thời, nên có một khoản kinh phí bảo đảm xăng dầu để huấn luyện các phương án, cách thức xử lý một số tình huống thường gặp trên biển. Hơn nữa, trình độ văn hóa của dân quân thấp, công tác phát triển Đảng còn nhiều khó khăn, chất lượng chính trị chưa cao nên cấp ủy đảng các cấp cần bồi dưỡng thêm cho lực lượng dân quân biển".

Phùng Ngọc Thăng

Tin mới