Tiên phong khám phá ngư trường Hoàng Sa

(Baonghean) - Ngư trường Hoàng Sa từ xa xưa được ngư dân miền Trung gọi là “bãi cát vàng”, vựa cá của Biển Đông, có thời điểm ngư dân ta gần như chỉ cần ra đánh bắt một vài ngày là cá đầy khoang. Vì trữ lượng cá nhiều, nên mỗi năm, ngư dân khu vực này đánh bắt 3 - 4 tháng bằng ngư dân Nghệ An đánh bắt cả năm. Có kinh nghiệm hơn 15 năm đánh bắt hải sản trên biển, anh Phan Văn Hải ở khối Hợp Tiến, phường Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) vinh dự là ngư dân Nghệ An đầu tiên được chọn ra ngư trường Hoàng Sa khai thác hải sản và tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Với tinh thần gương mẫu, nêu cao trách nhiệm đảng viên và là Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Quỳnh Lập, sau khi được Nhà nước vận động và giao nhiệm vụ tham gia khám phá ngư trường mới để sau đó kêu gọi bà con ngư dân vươn khơi khai thác, mặt khác, còn được lãnh đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh động viên, tạo điều kiện hỗ trợ một phần chi phí... anh Hải đã đăng ký và sẵn sàng cho chuyến đi. Thế nhưng, thời điểm chuẩn bị đi cũng là lúc tình hình trên Biển Đông “nóng” lên, tàu cá của ngư dân ta đánh bắt ở vùng Hoàng Sa thường xuyên bị tàu lạ đâm va nên cũng có chút lo ngại. Tuy nhiên, với tư cách là chủ tàu, anh Hải động viên anh em thuyền viên mạnh dạn đi tìm ngư trường mới và được mọi người đồng tình ủng hộ. Đó là thời điểm tháng 2/2014.
Anh Phan Văn Hải cùng các thuyền viên sửa lưới cụ chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Anh Phan Văn Hải cùng các thuyền viên sửa lưới cụ chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Anh Hải cho biết, từ vùng biển Nghệ An xuống ngư trường Hoàng Sa phải chạy liên tục 4 ngày 4 đêm, chi phí xăng dầu khoảng 150 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, trái với lo ngại của nhiều người, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa rất thuận lợi. Tàu của ngư dân Nghệ An cùng với ngư dân các tỉnh bạn Quảng Nam, Quảng Ngãi... đánh vòng ngoài nên rất yên tâm. Ngư dân ta còn có lợi thế là số lượng đánh bắt ở đây đông, lại luôn có lực lượng chấp pháp bảo vệ. Các đội tàu đánh bắt vòng trong được tổ chức chặt chẽ hơn, vừa đánh cá, vừa chủ động ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Tàu cá của anh Hải đã đi 3 chuyến ở biển Hoàng Sa (từ 17/2 đến 6/6/2014), nhưng hiệu quả đánh bắt chưa được như mong muốn do trang, thiết bị trên tàu chưa đáp ứng và một số hạn chế khác nữa. Đánh bắt ở Hoàng Sa chi phí lớn và khi đánh bắt không hiệu quả thì dù được bù chi phí tiền xăng, chủ tàu vẫn lỗ do phải trả tiền công cho thuyền viên. Anh Hải suy nghĩ lung lắm, nhưng cứ nghĩ đến trách nhiệm người đảng viên anh lại càng quyết tâm hơn.
Hiện tại, tàu cá anh Hải đang về tham gia đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc bộ. Nhưng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa vẫn là định hướng lâu dài, vì trữ lượng cá ở đây nhiều và có giá trị cao như cá ngừ, cá thu... Anh Hải đang đầu tư thêm 500 triệu đồng để chuyển đổi thiết bị trên tàu. Dự định ra năm (từ tháng 2), tàu sẽ tiếp tục vào đánh ở ngư trường Hoàng Sa cho đến tháng 6, từ tháng 7 sẽ về khai thác ở Vịnh Bắc bộ với bộ ngư cụ khác...
Hy vọng, sau khi anh Hải khám phá ngư trường Hoàng Sa, sẽ là tiền đề để ngày càng có nhiều ngư dân tỉnh nhà tiếp tục đầu tư vươn khơi, bám ngư trường mới đánh bắt hải sản mang lại nguồn lợi kinh tế; đồng thời, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Bài, ảnh: Hà Phương

Tin mới