Gian nan hành trình tôn tạo hình đất nước

(Baonghean) - Công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đánh giá là khó khăn nhất, bởi đường biên rất dài, địa hình cực kỳ phức tạp khó khăn. Vượt lên muôn vàn vất vả, gian lao, hơn 5 năm qua, các đội cắm mốc của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tôn tạo hình hài đất nước… Chúng tôi đã từng có dịp theo chân các anh trên tuyến đường biên này.

Vượt thác hiểm nguy dựng mốc


Có “tận mục sở thị” thì mới hiểu những vất vả, gian nan mà các đội cắm mốc gặp phải trong quá trình tôn tạo, phân định đường biên hai nước Việt – Lào; chúng tôi đã có những trải nghiệm thực tế khi được Thượng tá Phan Văn Hồng, Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 tỉnh Nghệ An mời lên đầu dòng Nậm Nơn vào cuối tháng 10/2012.

Tại đây, Đội cắm mốc số 1 đang xây dựng tăng dày một cụm mốc ba 397 (gồm 3 đỉnh mốc xếp thành hình tam giác, lấy điểm giao của 3 đường trung tuyến là điểm phân giới) nơi vị trí hợp lưu dòng chảy ngã ba sông tiếp giáp xã Mường Dương, huyện Mường Quăn, tỉnh Hủa Phăn (Lào)…

Bỏ qua những khó khăn bước đầu, chỉ tính chuyện vận chuyển thì để đưa 6 tấn vật liệu từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn về địa điểm dựng mốc ở xã Mỹ Lý phải đi qua 5 chặng đầu bằng ô tô, thuyền, kéo thuyền, vác bộ, tời; 3 chặng cuối bằng gùi, khiêng, gánh bộ. Lộ trình 3 chặng cuối tuy chỉ chưa đầy 1 km nhưng cực kỳ khó nhọc, bởi tại đây là dốc núi. Thượng tá Phan Thanh Hồng cho hay: Tại địa điểm dựng mốc, đội phải đào đắp gần 100m3 đất, phát quang 400m2 cây, thực hiện làm móng, đổ sàn bê tông, xây taluy bảo vệ cả bốn phía đề phòng xói lở và sụt lún.

Hành trình từ bản Xiềng Tắm (trung tâm xã Mỹ Lý) lên con suối Huổi Mai - địa điểm dựng mốc chỉ chừng 8 km, 40 phút đường sông. Nhưng cũng phải nói rằng, 40 phút đó là thử thách sống chết khi thuyền phải ngược dòng và vượt đè lên ba con thác dữ là Cành Cạp, Cành Sơ và Cành Mai, mỗi năm nơi 3 con thác này vẫn có hàng chục thuyền bè bị lật.

Độ chênh của mỗi thác chỉ dao động từ 15 đến 30 độ, nhưng mỗi con thác dài khoảng 300m và chỉ có những tay lái thật sự tài ba người địa phương mới có thể ngược dòng. Nước bốn phía luôn cuồn cuộn đổ như chực nhấn chìm thuyền, những dòng xoáy và các tảng đá nổi có, ngầm có ngổn ngang khắp suốt mặt sông tạo thành vô vàn miệng bẫy. N

gười cầm lái thuyền vận chuyển 22 CV luôn phải gồng cứng người để lách tránh, còn hoa tiêu thì liên tục phải dùng chèo đẩy thuyền ra khỏi va vào gờ đá ven bờ vừa ra hiệu hướng cho người lái. Những hôm thuyền chuyên chở thực phẩm bình thường thì không cần, nhưng hôm chở sắt thép xi măng thì phải có nhiều người buộc dây vào thuyền men theo vách đá bên bờ trợ lực kéo qua thác. Thuyền của đội 1 có lần dù đã cẩn thận hết mức vẫn bị lật và trôi mất 3 tạ xi măng.

Nơi ở của đội cắm mốc là hai lán trại nhỏ giản đơn, nằm sát bên sông, được dựng lên bằng hệ thống cành cây chắp nối buộc vào nhau, phía trên phủ bạt và các tấm tăng quân đội để tránh gió che mưa; nền là những tấm gỗ mỏng phía trên trải chiếu; chỗ ăn, chổ ở, chỗ ngủ của gần 30 con người cũng chính là hai lán trại này. Mốc nặng hơn 300kg, các thành viên đội cùng các anh bộ đội ì ạch như kiến tha mồi vừa vần vừa kéo mốc từ khu vực trại lên sườn núi. Phá đá mở đường, ống mét thành con lăn trượt, tiếng hò dô ta tiếp sức vang vang...

Đội Cắm mốc số 1 có 19 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, đội cắm mốc tiến hành khảo sát, giám sát, thi công các mốc trên tuyến biên giới chạy dọc Nghệ An – Hủa Phăn và Nghệ An – Xiêng Khoảng.

Theo các anh trong đội cắm mốc cho biết thì ở mỗi mốc đội ít nhất phải 4 lần phải hành quân lên làm nhiệm vụ khảo sát đơn phương, song phương, tổ chức giám sát thi công và nghiệm thu; song thực tế thì số lần mà đội cắm mốc đi khảo sát, giám sát, xây dựng mốc phải lên đến con số hàng trăm; gian nan vất vả khó nói bằng lời.

Và mốc 397 tuy ở đầu 3 con thác nhưng vẫn thuộc loại mốc dễ cắm; thử thách cực độ phải là những mốc trước đây đội đã làm như 418, 419 nằm trên địa bàn xã Mường Ải với độ cao trên 2.000m, dốc 45 độ, không có đường đi, chỉ có thể bám vào vách đá để lên; hay mốc nơi đỉnh Phuxailaileng (2.721m), ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn… Đêm, đâu đó bên kia biên giới đã mưa rồi, nước đầu nguồn Nậm Nơn dâng lên thành lũ, đội cắm mốc lại phải dời lều, vận chuyển vật liệu lên địa điểm cao hơn. Mưa rừng về sên vắt lại nhiều hơn.

Khảo sát trên đỉnh Trường Sơn

Chia tay Đội cắm mốc số 1, chúng tôi đã kịp về tham gia đoàn khảo sát mốc 428 (ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) của Đội cắm Mốc số 2... Nằm trên đỉnh Trường Sơn, ở độ cao 1.822m so với mặt nước biển, Mốc 428 được dựng từ những năm 1980 – 1981, sau đó được bàn giao cho đồn biên phòng quản lý.

Để lên Mốc 428, Đoàn khảo sát xuất phát từ sáng sớm, khi những trận mưa rừng cuối mùa vừa ngớt hạt; đường trơn trượt, mưa đã khiến đất đá trên sườn núi cũng nhũn, sụt hẳn đi. Rồng rắn nối tiếp nhau, cả đoàn đi trong im lặng, chẳng ai có thể nói chuyện khi sức lực đang chuyển hóa thành từng bước leo, trèo; chân không buồn nhấc, mồ hôi đổ ra như suối. Vượt lên đỉnh núi này lại thấy phía trước chập chùng mịt mờ những núi nối tiếp nhau tạo vô vàn hình bát úp. Lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng vất vả muôn phần; chỉ cần trượt một bước chân là rơi xuống triền núi.

Ngày thứ 2, ngày thứ 3… đến ngày thứ tư, trời bất ngờ chuyển mưa - mưa rừng xối xả, thế là người, áo quần và một phần lương thực ướt cả. Mưa sầm sập, khiến tất cả đều mùi mịt tối đen. Mệt nhọc đã là chuyện thường trực hình như không ai nghĩ đến nữa, trong đầu chỉ có một ý nghĩ là làm sao theo kịp, gặp anh em, làm sao đừng lạc. Đi khảo sát cắm mốc, việc tính toán điểm nghỉ cho đoàn cũng là một quy trình phức tạp đòi hỏi tính khoa học cao, đảm bảo điểm đó phải có cúi, nước để nấu ăn, vừa phải là khu vực an toàn.

Tại mỗi điểm dừng chân, đoàn đều dựng lán trại tạm bợ, dưới trải lá rừng, khung bằng cành cây, phía trên phủ bạt; các thành viên đoàn nhanh chóng vượt qua cơn mệt mỏi để đi tìm rau rừng, ốc ếch, dơi để cải thiện bữa ăn thêm tươi. Trời khô ráo thì đỡ, chứ mưa xuống chuyện nấu cơm trở nên rất vất vả - dưới là nước chảy, củi tìm được thì cũng ướt nhèm, để nấu được cơm phải kiếm hai gốc cây to rồi để nổi lên trên, bên dưới cứ chồng nhiều lớp củi, ở giữa đốt lốp xe, sợi dù ni-lông, cháy mãi củi trên mới khô bén lửa.

Ngày thứ 6, Mốc 428 hiện ra trên đỉnh Trường Sơn, xung quanh cây cối rậm rạp. Từ đây nhìn núi rừng trùng điệp, đất trời mênh mông - bên này là huyện Vieng Thong, tỉnh Bôlykhămxay, bên này là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - một điểm nhỏ trên bản đồ mà vạn dặm quê hương…

Thành Chung

Tin mới