Những trận chiến của người lính đặc công

(Baonghean) - Vẻ hiền từ toát lên qua khuôn mặt và giọng nói, ít ai nghĩ rằng ông Phùng Bá Điền từng là một người lính đặc công hải quân cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội. Với sự điềm tĩnh, người thương binh này đang chống chọi với căn bệnh ung thư để giành sự sống. Ở độ tuổi 63, cùng với sự trải nghiệm, ông đã thấu hiểu mọi lẽ “vô thường” của cuộc đời...

Những chiến công
Trong căn nhà nhỏ, yên tĩnh thuộc khối 11, phường Cửa Nam (Thành phố Vinh) ông Điền ngồi nhấp từng ngụm chè xanh và kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ông sinh năm 1951, lớn lên đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, ác liệt nhất. Bước sang tuổi 19, khi vừa học xong cấp 2, chàng thanh niên quê biển Cửa Lò đã tình nguyện lên được nhập ngũ. Với vóc dáng cao lớn, tác phong nhanh nhẹn, thông minh, lại bơi lội giỏi nên ông Điền được biên chế vào Đoàn 126 - Đặc công hải quân. Đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua nhưng ông Điền vẫn chưa quên được những năm tháng huấn luyện vất vả trên thao trường ở Hải Phòng. Đó là những lúc để mình trần ngâm mình giữa bùn trong đêm giá rét, những lần tập bơi từ hải phận quốc tế (phao số 0) vào bờ từ sáng sớm đến chiều tối. Khó nhất là việc tập ống thở và đi dưới nước.
Ống thở được làm bằng nhựa có chiều dài khoảng 20cm, đường kính khoảng gần 3cm được dùng cho các chiến sỹ đặc công ngậm vào miệng hít thở không khí khi vận động dưới nước. Điều quan trọng và khó khăn nhất khi đi dưới nước là phải giữ được thăng bằng, không được nhấp nhô thân mình, chỉ để ống thở nhô lên mặt nước chừng 2 - 3cm. Vì nếu nhấp nhô khi di chuyển, chiếc ống thở nhô cao lên trên mặt nước sẽ dễ bị địch phát hiện; nếu để chiếc ống thở chìm hoàn toàn dưới mặt nước sẽ bị sặc nước và tình huống này cũng nguy hiểm không kém. Chiếc ống thở là vật bất ly thân của lính đặc công nước lúc bấy giờ. Hiện ông Điền vẫn còn cất giữ một chiếc. Là đặc công hải quân, ông Điền và các đồng đội phải nắm vững nguyên tắc cấu tạo và nguyên lý hoạt động các loại phương tiện hàng hải, học cách trở thành những ngư dân biết cách quăng chài, giăng lưới, nắm vững cách sơ cấp cứu trong tình huống bị thương... 
Ông Phùng Bá Điền và chiếc ống thở của đặc công nước - kỷ vật chiến trường.
Ông Phùng Bá Điền và chiếc ống thở của đặc công nước - kỷ vật chiến trường.
Sau 1 năm huấn luyện, Phùng Bá Điền cùng đơn vị vượt dãy Trường Sơn, vòng qua đất Lào và Cam pu chia để hành quân vào miền Đông Nam bộ. Ông vẫn còn nhớ hành trình năm ấy kéo dài trong vòng 5 tháng 19 ngày, thường xuyên đối mặt với vất vả, đói khát và cả những hiểm nguy rình rập. Có lần, hành quân đến binh trạm 40 (Tây Nguyên), một tọa độ ác liệt, hầu hết xe vận tải bị trúng bom, lương thực bị cháy, cả đơn vị phải duy trì sự sống bằng cách ăn lá rừng để chờ gạo tiếp tế. 
Vào chiến trường Đông Nam bộ, chiến sỹ trẻ Phùng Bá Điền được bổ sung vào đơn vị 19 thuộc Đoàn 10, Đặc công Rừng Sác. Đơn vị của ông có nhiệm vụ tham gia đánh các tàu và kho của địch trong các cảng nhằm mục tiêu không để kẻ địch vận chuyển vũ khí, khí tài, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm đến các chiến trường sẽ gây tổn thất cho quân ta. Địa bàn trú ẩn và hoạt động chủ yếu là những cánh rừng đước mênh mông và sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nắm chắc kỹ thuật và chiến thuật của đặc công nước, lại có sức khỏe hơn người, tinh thần chiến đấu gan dạ và dũng cảm, Phùng Bá Điền được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp đánh phá mục tiêu của địch. Nhiệm vụ này hết sức gian nguy, vì địch luôn canh phòng cẩn mật, chia thành nhiều vòng để bảo vệ, thường xuyên ném lựu đạn, thủ pháo xuống nước đề phòng đặc công của ta tiềm nhập. Nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh vì trúng mảnh tạc đạn của địch. Cùng với đó là hàng rào thép gai chi chít và lũ chó béc-giê sẵn sàng đánh hơi sự có mặt của các chiến sỹ đặc công. 
Tại chiến khu Rừng Sác, vùng đất rất đỗi khốc liệt này, người lính đặc công đến từ quê hương Nghệ An đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, tham gia không ít trận đánh ác liệt và lập nên những chiến công vang dội. Cho đến nay, đã 42 năm trôi qua, ông Điền vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng, hồi hộp khi lần đầu tiên xung trận. Không phải sợ sệt, mà điều quan trọng nhất là ông lo không hoàn thành nhiệm vụ. Lần ấy, ông cùng 2 đồng đội được giao đánh chìm chiếc tàu 13.000 tấn, dài 150m, rộng 25m đang neo đậu trên cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu). Ba người buộc dây đội hình, mỗi người mang mìn 5,6 kg, từ địa điểm tập kết cùng tiến về phía mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ trước lúc trời sáng. Chờ lúc địch ném xong một loạt thủ pháo, ông Điền và đồng đội nhanh chóng tiềm nhập vào phía dưới thân tàu để đặt mìn hẹn giờ rồi nhanh chóng rút lui.
Thao tác hết sức mau lẹ, địch không thể ngờ tinh thần dũng cảm, mưu trí của đặc công ta nên đúng 2 giờ sau, một loạt tiếng nổ phát ra tại Cảng Rạch Dừa, vang động cả một vùng rộng lớn. Lúc này, 3 chiến sỹ của ta đã trở về được nửa đường, từ xa vẫn nghe rõ những tiếng nổ xé tai, tiếng còi địch báo động, bắn loạn xạ, các loại tàu, ca nô chạy ầm ầm dưới pháo sáng rõ như ban ngày. Ông Điền chia sẻ: “Khỏi phải nói đến niềm vui sướng, tự hào khi người lính lần đầu tiên xung trận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lúc ấy, tôi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh, nhớ những người thân đang từng ngày mong ngóng tin tức...”. 
Trận đánh thứ 2 mà Phùng Bá Điền tham gia cũng diễn ra trên Cảng Rạch Dừa. Mục tiêu là chiếc tàu vận tải chứa 10.000 tấn vũ khí và hàng quân sự đang neo đậu trong cảng. Lần này, các loại mìn hiện đại của Liên Xô, Tiệp Khắc chưa chuyển về kịp nên đơn vị quyết định đánh bằng mìn tự tạo. Ông Điền cùng 2 đồng đội vận chuyển 100 kg thuốc nổ và tìm cách tiếp cận mục tiêu. Khi áp sát được thân tàu, phải dùng dây buộc khối thuốc nổ áp sát khoang máy rồi rút lui. Bị đặc công ta nhiều lần tiềm nhập nên lần này địch bố trí canh gác cẩn mật, tạo thêm nhiều chướng ngại vật để đề phòng. Do vậy, việc rút lui đã không diễn ra như dự tính, nghĩa là lúc rời khỏi mục tiêu cũng là lúc thủy triều rút và trời bắt đầu tảng sáng. Đây thực sự là một tình huống hết sức nguy hiểm, bởi thủy triều rút sẽ cuốn theo người ra biển, trời sáng sẽ dễ bị các tàu tuần tiễu của địch phát hiện. Khi bị trôi ra biển, ông Điền và đông đội vật lộn với sóng nước gần như sắp kiệt sức. Rất may, một chiếc thuyền đánh cá trên đường về đã phát hiện và cứu sống cả 3 người...
Trận chiến còn tiếp diễn
Thời gian chiến đấu ở miền Đông Nam bộ, chiến sỹ Phùng Bá Điền đã nhiều lần tham gia đánh tàu địch, góp phần gây nên những tổn thất không nhỏ cho Mỹ- Ngụy. Có lần, một mình ông với 1 khẩu B-41 và 1 quả đạn đã bắn cháy một tàu địch trên sông Thị Vải, diệt 16 tên địch. Bắn xong, ông giấu khẩu B-41 dưới bùn rồi nhảy xuống rạch, rời khỏi trận địa và tìm đường về cứ. Khoảng 5 phút sau, các tàu khác của địch dùng súng 12 ly 7 bắn xối xả, các loại cây lớn nhỏ đều bị phạt ngang, rất may ông đã thoát được khỏi làn đạn của kẻ thù. Phùng Bá Điền còn hỗ trợ du kích địa phương trong các trận chống càn và 2 lần bị thương tại xã đảo Long Sơn vì trúng đạn cối của địch.
Nghe dòng tâm sự của ông Điền, chúng tôi chợt nhớ tới lời giới thiệu cuốn hồi ký Một thời rừng Sác của Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10, Đặc công Rừng Sác: “Hơn 20 năm qua có một vài bộ phim, quyển sách, bài báo viết về rừng Sác, nhưng sự thực vẫn chưa nói hết được tất cả những gì cần phải nói về một chiến trường mênh mông sông nước quanh năm mặn đắng, vô cùng khốc liệt mà người lính phải ngày ngày phơi mình dưới bom đạn, chịu sự chà xát của B52 rải thảm, của chất độc hóa học, về sự dũng cảm tuyệt vời, lòng yêu nước sắt son vô bờ bến của cán bộ, chiến sỹ đặc công, của những ông cha, bà má, người chị, em gái nơi mảnh đất vùng ven thân thương này...”.
Sau giải phóng miền Nam, Phùng Bá Điền được điều về Sài Gòn làm công tác quân quản. Năm 1978, ông chuyển ngành về công tác tại Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Nghệ An. 5 năm sau ngày giải phóng, người chiến sỹ đặc công có dịp trở lại thăm xã đảo Long Sơn. Lúc bấy giờ, bà con đang ra đồng gặt lúa, nghe tin “thằng Điền” về thăm, ai nấy đều chạy về vây quanh để hỏi chuyện, nét mặt mừng vui như đón người con đi xa lâu ngày trở về. Hôm chia tay, nhiều bà má đã bật khóc, ông cũng rưng rưng không nói được nên lời. 
Một ngày đầu năm 2005, ông Điền thấy đau bụng dữ dội, trước đó mấy ngày việc ăn uống đã khó khăn, chuyển lên bệnh viện lúc đầu chưa xác định được căn nguyên. Mấy ngày sau, ông nhận được kết luận bị ung thư dạ dày. Với không ít người, đây là “bản án tử hình”. Phùng Bá Điền hết sức bình tĩnh, thản nhiên. Ông nghĩ rằng từ đây bản thân mình sẽ bắt đầu một trận chiến mới, đó là chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Ông tâm sự: “Trong chiến đấu với kẻ thù, tôi tin tưởng vào đồng đội và nhân dân, trong chiến đấu với bệnh tật, tôi đặt niềm tin vào khoa học và các y, bác sỹ. Với niềm tin ấy, tôi lên bàn mổ một cách bình thản. Bởi ở chiến trường, mình đã nhiều lần đối mặt với cái chết, giờ đây mọi chuyện trở nên rất đỗi bình thường”. Gần 10 năm qua, với tinh thần của người lính đặc công, ông Điền đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Điều quan trọng là ông luôn giữ được niềm tin, sự bình thản, sẵn sàng đón nhận tất cả những may mắn lẫn rủi ro. Có lẽ vì thế, ông chưa bị bệnh tật quật ngã!
Với khối xóm, ông Điền là một công dân gương mẫu. Cách đây 5 năm, tuyến đường nội khối mùa mưa thường lầy lội, ông cất công đến từng hộ vận động đóng góp làm đường. Kết quả là đoạn đường hơn 700m được đổ bê tông, việc đi lại trở nên sạch sẽ và thuận lợi. Mỗi khi qua đây, bà con vẫn thường nói vui là “đường ông Điền”. Mới đây, đồng đội và đơn vị cũ đã hoàn thành và trình hồ sơ lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chiến sỹ Phùng Bá Điền. Hy vọng, tin vui sẽ đến sớm với người lính đặc công can trường, dũng cảm cả trong chiến đấu và cuộc sống đời thường này!
Bài, ảnh: Công Kiên

Tin mới