Rà soát, điều chỉnh, ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn

Rà soát, điều chỉnh, ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tiến hành thảo luận Tổ, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị cần đánh giá, rà soát, điều chỉnh, ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn.

Sáng 6/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị: Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tiến hành thảo luận Tổ. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Tham dự phiên thảo luận Tổ 2 có các ông: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Cường - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.

bna_IMG_3211.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 2. Ảnh: Phạm Bằng

RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các báo cáo khác trên các lĩnh vực.

Các đại biểu thống nhất đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong năm 2023, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn.

bna_IMG_3222.jpg
Đại biểu Dương Đình Chỉnh - Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc đề nghị rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình nông thôn mới. Ảnh: Phạm Bằng

Vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận tại Tổ 2 là chính sách phát triển nông nghiệp. Đại biểu Dương Đình Chỉnh - Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc cho rằng, trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, như sức sống của các mô hình còn yếu, sản xuất còn manh mún, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thủ tục giao đất còn vướng...

Trên cơ sở đó, đại biểu Chỉnh đề nghị xem xét, điều chỉnh các chính sách phát triển nông nghiệp vì nhiều chính sách còn manh mún, hiệu quả chưa cao; đề nghị UBND tỉnh xem xét phân cấp cho cấp huyện trong việc giao, cho thuê đất nông nghiệp; điều chỉnh quy hoạch sản xuất 2 bên vùng sông Cấm; quan tâm đầu tư hệ thống thuỷ lợi xung quanh các khu công nghiệp...

bna_IMG_3257.jpg
Đại biểu Hoàng Lân - Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị trong thời gian tới cần thực hiện chính sách theo 2 hướng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu Ảnh: Phạm Bằng

Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Lân - Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đang mang tính cào bằng, diện rộng, có những chính sách không thực hiện được.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Lân đề nghị UBND tỉnh rà soát lại các chính sách và trong thời gian tới, cần thực hiện chính sách theo 2 hướng: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu và khắc phục sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai. Mặt khác, hiện tỉnh đã quy hoạch các vùng nguyên liệu nhưng cũng cần quan tâm đến cả những mảng nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường.

bna_IMG_3274.jpg
Đại biểu Lê Đức Cường - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đề nghị tính toán chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng

Đánh giá việc sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị tạo điều kiện về mặt pháp lý, quỹ đất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu thụ sản phẩm.

Clip: Lâm Tùng

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, đại biểu Dương Đình Chỉnh - Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc cho rằng, các chính sách hỗ trợ còn nhiều tiêu chí bất cập và cần điều chỉnh cách thức, tiêu chí hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

bna_IMG_3270.jpg
Đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị cần quan tâm phát triển văn hoá nông thôn mới. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị cần quan tâm phát triển văn hoá nông thôn mới bằng việc đầu tư thiết chế văn hoá; xây dựng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá ở cơ sở, để đáp ứng phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá.

Đại biểu Lê Đức Cường - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho rằng, ngành nông nghiệp trong thời gian qua tăng trưởng ổn định và cao. Tuy nhiên, cơ cấu mùa vụ cây trồng "đang có vấn đề" vì tại nhiều địa phương người dân cơ bản không sản xuất vụ Hè thu và vụ Mùa. Vì thế, có thể tính toán chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, có thể kéo dài vụ Đông Xuân để phòng tránh thiên tai.

Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung khác. Đại biểu Dương Đình Chỉnh cũng có ý kiến xung quanh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bởi hiện nay giữa cung và cầu đang chưa "khớp nhau", người dân vẫn thiếu việc làm nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Vì vậy, cần xã hội hoá trong đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

bna_IMG_3248.jpg
Đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh tình trạng xã hội hoá giáo dục. Ảnh: Phạm Bằng

Các đại biểu đề nghị có giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; Cần có giải pháp tuyên truyền, vận động tư tưởng cho cán bộ, công chức tại những đơn vị hành chính được sắp xếp yên tâm công tác; đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư mương thoát nước trên tuyến Quốc lộ 48A, đoạn qua xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu)...

Đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, qua khảo sát công tác xã hội hoá trong lĩnh vực Giáo dục còn thấy nhiều bất cập, việc phê duyệt kế hoạch xã hội hoá "còn tràn lan" tại nhiều địa phương, tạo gánh nặng cho phụ huynh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh tình trạng này và cần rà soát các quyết định chủ trương đầu tư để điều chỉnh đưa ra mức đối ứng phù hợp, tăng cường quản lý tài sản xã hội hoá.

LỰA CHỌN LĨNH VỰC ƯU TIÊN ĐỂ HỖ TRỢ HIỆU QUẢ

Tại phiên thảo luận tổ, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trao đổi, giải trình các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, có tình trạng nông dân bỏ ruộng nhưng chỉ diễn ra ở vụ Thu Mùa do thời tiết khắc nghiệt, dịch chuyển lao động, giá cả thấp...

bna_IMG_3290.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh trao đổi, giải trình vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Ảnh: Phạm Bằng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương bám sát Đề án sản xuất đầu thời vụ để thực hiện hiệu quả; tăng cường kiểm tra, thu hồi đất bỏ hoang quá 6 tháng... Quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp lại để đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường liên kết theo hộ gia đình, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ vào sản xuất, qua đó giải quyết tình trạng sản xuất manh mún.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, do nguồn lực khó khăn nên việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao còn hạn chế.

bna_IMG_3195.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các địa phương tham dự thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Trong điều kiện ngân sách khó khăn nhưng 3 năm qua, tỉnh đã bố trí gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó gần 500 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của các địa phương, người dân, cần tăng cường việc xã hội hoá, đặc biệt trong xây dựng các thiết chế văn hoá.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao đổi những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cho rằng, năm 2023 là năm hết sức khó khăn, nhiều hơn các năm trước. Trong điều kiện như thế nhưng kết quả phát triển của tỉnh hết sức tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,14%, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ cơ bản đạt theo kịch bản tăng trưởng. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng không đạt kịch bản, mục tiêu đề ra, do ảnh hưởng suy giảm trong sản xuất công nghiệp và xây dựng.

bna_IMG_3327.jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Ảnh: Phạm Bằng

Quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 10 của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao nhưng vẫn đang đứng tốp cuối cả nước. Nguyên nhân là do dân số đông, địa bàn rộng, đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn và cần phải nỗ lực nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh những kết quả nổi bật của năm 2023, trong đó có thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng khi lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, xấp xỉ đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

bna_IMG_3171.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, công tác an sinh xã hội được tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo, đặc biệt là Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở với 5.332 căn trong năm 2023. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến ở các cấp, các ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Thu ngân sách mặc dù đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao nhưng thấp hơn năm 2022, ảnh hưởng đến mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Giải ngân đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt mục tiêu đề ra; 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược chưa hoàn thành...

Nhấn mạnh mục tiêu phát triển tỉnh đặt ra trong năm 2024 tương đối cao, song Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, nếu không nỗ lực, không phấn đấu thì khó hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đề ra.

bna_IMG_3155.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đặc biệt là đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh; Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung tháo gỡ, vướng mắc khó khăn trong thực hiện các dự án, đặc biệt khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Tập trung thực hiện các Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP. Vinh, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong điều kiện ngân sách khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm đến các chính sách phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp rà soát các chính sách theo hướng trọng tâm, trọng điểm và chọn lựa những lĩnh vực có hiệu quả.

bna_IMG_3145.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng cho rằng, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là vấn đề khó khăn, cần cả một quá trình, tổng hợp đầy đủ các yếu tố, huy động được sự tham gia của thành phần. UBND tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện toàn tỉnh có 319 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 88 xã nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu. "Phần dễ làm xong rồi, còn phần khó. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngành Nông nghiệp quan tâm tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh uỷ điều chỉnh cách hỗ trợ phù hợp hơn", Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quan tâm giải quyết các vấn đề điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất; đầu tư hệ thống thuỷ lợi; đầu tư thiết chế văn hoá tại các xã nông thôn mới; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo tăng cường đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những nội dung các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi và tiếp tục chỉ đạo các ngành đề ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu.

Tin mới