Sớm thống nhất hướng xử lý vi phạm trong mua bán, sử dụng đất rừng

(Baonghean) - Sau hơn 2 tháng thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, số liệu thống kê về diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng bị mua bán, chuyển nhượng trái phép dù đã có nhưng chưa đầy đủ; và việc xử lý ra sao vẫn đang là một câu hỏi lớn...

Khó trong rà soát

Thực hiện Công văn 5037 của UBND tỉnh và nhiệm vụ của Sở NN&PTNT giao, từ cuối tháng 7/2016, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các phòng ban của các huyện, thành thị tiến hành rà soát, thống kê diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng bị chuyển nhượng trái phép. Trên cơ sở đó, ngày 1/9/2016, Chi cục Kiểm lâm có Công văn số 663/CCKL-SDR báo cáo Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện. 

Tại Công văn 663 thông tin, cho đến ngày 30/8, tổng diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đã bị mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng trái mục đích đã rà soát thống kê được là 10.038,497 ha (có 5.398,468 ha bị mua bán, chuyển nhượng trái phép; 4.640,029 ha bị sử dụng sai mục đích).

Việc mua bán, chuyển nhượng trái phép được xác định chủ yếu tập trung ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu... Với việc sử dụng trái mục đích, tập trung ở huyện Nghĩa Đàn. Và trong 13 huyện, thị đã thực hiện rà soát và báo cáo kết quả thì 4 huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp và TX. Cửa Lò không xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng.

Sau khi bị chuyển nhượng còn đất rừng thì trồng keo.
Sau khi bị chuyển nhượng còn đất rừng thì trồng keo.

Tuy vậy, những kết quả nêu trên (đã báo cáo lên UBND tỉnh) được xác định chỉ là những số liệu rà soát ban đầu, chưa đảm bảo chính xác. Theo đại diện của Chi cục Kiểm lâm, lý do là bởi công tác rà soát gặp rất nhiều khó khăn; những hộ gia đình thực hiện chuyển nhượng và đối tượng nhận chuyển nhượng không tự giác khai báo; kể cả khi bị lực lượng chức năng kiểm tra cũng tìm cách né tránh, không hợp tác, hoặc biện minh việc chuyển nhượng chui bằng việc thuê đất, hợp tác làm kinh tế, thậm chí “cầm cố”...

Thực tế cho thấy số liệu rà soát của một số địa phương mà Chi cục Kiểm Lâm tập hợp được có độ “vênh” với những số liệu của các cơ quan khác.

Ví dụ, ở 2 huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Chi cục Kiểm lâm xác định không xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật,nhưng theo tài liệu Sở TN&MT tập hợp cho thấy có vấn nạn này. Cụ thể, ở huyện Tân Kỳ có 36 trường hợp chuyển nhượng đất rừng sản xuất được giao theo Nghị định 163; còn tại huyện Nam Đàn, có 76 trường hợp chuyển nhượng đất rừng sản xuất được nhà nước giao sổ lâm bạ và các giấy tờ khác... Bên cạnh đó, với các huyện như Tương Dương, Quỳ Hợp, dù tại Công văn 5037 của tỉnh có nêu là xảy ra tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép nhưng cho đến thời điểm hiện tại các địa phương này vẫn chưa xác định được xảy ra ở khu vực nào... 

Chưa có chế tài xử lý vi phạm

Theo lý giải của Sở NN&PTNT, tình trạng đất rừng, đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng đất sai mục đích chủ yếu là vi phạm trong lĩnh vực đất đai; không có mua bán chuyển nhượng, sử dụng rừng trái phép. Trong khi thẩm quyền của Sở NN&PTNT chỉ xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực mua bán, khai thác và chuyển nhượng rừng trái phép.

Vì vậy, tại Công văn số 2299/SNN.KL ngày 14/9, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu tỉnh xử lý tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương có rừng thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã được giao đất, cho thuê đất, khoán đất; giao rừng, cho thuê rừng, khoán rừng mua bán chuyển nhượng và sử dụng sai mục đích.

Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh giao các địa phương có rừng xem xét tạm ngừng việc giao rừng, cho thuê rừng tự nhiên cho các hộ gia đình và cá nhân; và việc mua bán, chuyển nhượng rừng, đất lâm nghiệp để tập trung rà soát xử lý các trường hợp vi phạm.

Ở nhiều nơi, đất rừng sau khi bị chuyển nhượng trái phép, các đối tượng nhận chuyển nhượng đã thuê tỉa cây gỗ làm nghèo rừng.
Ở nhiều nơi, đất rừng sau khi bị chuyển nhượng trái phép, các đối tượng nhận chuyển nhượng đã thuê tỉa cây gỗ làm nghèo rừng.

Trong khi đó, với Sở TN&MT thì đã xác định việc chuyển nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian có nhiều điểm chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Đó là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp vượt quá hạn mức đối với hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai; sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhận chuyển nhượng đất rừng tự nhiên không đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng sai mục đích sau khi nhận chuyển nhượng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sử dụng đất không phù hợp quy hoạch vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, khai thác khoáng sản...

Nhưng tại Công văn số 4641/STNMT-QLĐĐ ngày 26/8/2016 gửi các huyện, thành, thị, Sở TN&MT cũng chưa đưa ra được các chế tài xử lý; mà chỉ đề nghị tập trung cho công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 5037; có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép; hoặc đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định...

Trong khi đó, với các địa phương có đất rừng, đất lâm nghiệp thì rất cần sự chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành và của tỉnh để xử lý những vụ việc mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng.

Như huyện Quế Phong, đã xác định được có 184 hộ chuyển nhượng trái phép trên 1.859 ha đất lâm nghiệp, đất rừng nhưng chưa thể xử lý giải quyết. Từ tháng 5/2016 đến nay, UBND huyện Quế Phong không dưới hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh cùng các sở để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nhưng chưa được hồi đáp (mới chỉ có ý kiến mang tính chất tham khảo của Sở Tư pháp).

Cùng đặt ra câu hỏi, đâu là bộ giải pháp để xử lý, giải quyết có hiệu quả vấn nạn vi phạm pháp luật trong mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng? Theo đại diện lãnh đạo của hai Sở TN&MT, NN&PTNT, trước mắt, hai sở sẽ tiếp tục cùng các huyện thành, thị tập trung thực hiện các nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo tại Công văn 5037. Bên cạnh đó, sẽ đề nghị UBND tỉnh triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của các sở ngành liên quan và các địa phương có rừng để đề ra các giải pháp, nhất là các chế tài xử lý vi phạm. 

Ở nhiều nơi, đất rừng sau khi bị chuyển nhượng trái phép, các đối tượng đem gỗ nhỏđốt than bán.
Ở nhiều nơi, đất rừng sau khi bị chuyển nhượng trái phép,
các đối tượng đem gỗ nhỏ đốt than bán.
Để xử lý việc mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, đất rừng, ngày 28/6/2016, Sở Tư pháp đã có Công văn số 784/STP-XDVB gửi UBND huyện Quế Phong. Tại đây, Sở Tư pháp phân tích rõ quy định của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khẳng định việc tự ý chuyển nhượng đất lâm nghiệp là không phù hợp với quy định của pháp luật; đề nghị UBND huyện Quế Phong yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng thực hiện việc trả lại đất theo quyết định giao đất cho cơ quan có thẩm quyền.

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới