Tận cùng nỗi nhớ

(Baonghean) - Ngày bé thơ, mẹ thường dắt tôi ra bờ biển. Trên bãi cát mịn màng, tôi líu ríu chạy theo mẹ bi bô: "Mẹ ơi, sao con sóng nào cũng bạc đầu như tóc bà nội hở mẹ?" Mẹ âu yếm xoa đầu tôi, nói mà như thì thầm: "Bởi sóng nhớ đấy con ạ...!". Tôi vẫn láu táu: "Sóng nhớ ai hở mẹ?" Nghe tôi hỏi, miệng mẹ mỉm cười mà đôi mắt thì vời vợi dõi ra ngoài nghìn trùng con sóng...

Ngày ấy, bố tôi đi về phía biển. Mẹ nói rằng bố đi cùng những con sóng vui, đi cùng những con sóng nhớ, về với những hòn đảo xa, làm người lính đảo. Một lần bố về thăm nhà, tôi mải nhìn làn da sạm nắng gió, say sưa nghe tiếng nói mặn mòi biển sóng của bố. Ôm tôi vào lòng, bố kể cho tôi nghe về biển và những hòn đảo. Trên những hòn đảo nơi thăm thẳm trùng khơi ấy, với người lính, nỗi gian khổ và hy sinh, niềm vui và nỗi nhớ ngang nhau, sẻ chia cho nhau. Tôi ngây thơ hỏi: "Bố ơi, con thấy biển toàn là nước, là sóng, làm sao đảo đứng trên đó được? Đảo nổi trên phao hở bố?" Bố cười: "Chẳng phải đảo nổi trên phao đâu, con ạ. Đảo đứng được giữa trời nước bởi đảo là núm ruột, là xương thịt của Đất Mẹ nối dài ra nổi lên giữa biển. Đảo là những đúa con của mẹ đất liền. Đất mẹ sinh ra những đứa - con - đảo, cũng như bố mẹ sinh ra các con vậy". Bố còn bảo: "Mẹ nuôi lớn các con bằng bầu sữa mẹ, đưa nôi cho các con ngủ bằng lời ru thiết tha tình mẹ. Cũng như mẹ, biển là bầu sữa, là cái nôi nuôi nấng những đứa con - đảo của Đất Mẹ. Khi sóng lặng, gió êm, ấy là lúc biển vui. Ngàn tay sóng của biển đưa nôi, vỗ về, vuốt ve hát cho đảo nghe những lời ru không hết. Những ngày bão tố, chẳng phải biển giận đảo đâu, mà là lúc Đất Mẹ nhờ biển dâng sóng thử thách lòng dũng cảm của con mình, cho chúng cứng cáp, khôn lớn".

Những năm tháng bố tôi trấn giữ ngoài đảo xa, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu; tàu chiến Mỹ lởn vởn ngoài khơi. Vậy mà chiều chiều sau giờ trực chiến, mang khẩu súng trường trên vai, mẹ dắt tôi ra bờ biển ngóng về hướng chân trời. Tôi nhìn theo mắt mẹ. Xa lắm, ngoài thăm thẳm nghìn trùng con sóng ấy có những hòn đảo- những đứa con hoài thai từ ruột rà, từ xương thịt Đất Mẹ. Nơi ấy, bố tôi và những người lính ngày đêm thức bên cây súng giữ gìn những đứa con nơi đầu sóng gió của Đất Mẹ. Kỳ lạ, qua tháng năm, tự nhiên trong tôi, nỗi nhớ bố trở thành nỗi nhớ biển, trở thành nỗi nhớ đảo. Trong tiềm thức trẻ thơ tôi, nỗi nhớ biển, nỗi nhớ đảo hóa thân thành những con sóng bạc đầu. Nó không tròn trịa mà vỡ òa; nó không lặng thầm mà sục sôi; nó không bình yên mà dào dạt! Mẹ bảo rằng: "Ai có được nỗi nhớ ấy là đã đi được đến tận cùng của nỗi nhớ!".

Rồi bố tôi trở về. Ngày bố về, biển đã xanh màu xanh bình yên. Nhưng đâu đó những bóng ma hắc ám vẫn rình rập. Tôi lại cầm súng, đi theo con đường của bố đã đi suốt những năm tháng biển động, thực hiện khát khao của trái tim mình, trở thành người lính đảo. Trong những đêm đứng gác giữa ngàn trùng sóng vỗ, tôi đã hiểu cái mênh mông, dạt dào của biển, của đảo. Tôi đã thấm thía ngàn lần điều thiêng liêng của từng giọt mồ hôi, của từng giọt máu ông cha ta đổ xuống để cho Biển, cho Đảo, cho Đất Mẹ bình yên. Tôi đã yêu vô cùng cái nỗi nhớ đến tận cùng ngày nào của bố. Và, chính bố, chính nỗi nhớ của mẹ đã gọi tôi về với biển, gọi tôi về với đảo, để tôi được đi đến tận cùng nỗi nhớ của lòng mình!

Nguyễn Xuân Diệu

Tin mới