Tăng cường đối ngoại, mở rộng hợp tác

(Baonghean) - Công tác đối ngoại là một nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, nhiều định hướng phát triển mới, và cả những yêu cầu cụ thể đối với lĩnh vực đối ngoại đã được xác định. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Danh - Giám đốc Sở Ngoại vụ.

P.V: Thưa đồng chí, định hướng về công tác đối ngoại của tỉnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là gì? 
Đồng chí Trần Ngọc Danh: Các nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết Đại hội XVIII đặt ra cho công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế; xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các kênh (Đảng, chính quyền và nhân dân) với từng đối tác; tiếp tục củng cố, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống; xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác mới; mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương của các nước trong cộng đồng ASEAN; tăng cường các hoạt động đối ngoại, quảng bá về hình ảnh của Nghệ An và đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư. 
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Ngoại vụ Nghệ An và Hiệp hội KTCA.	Ảnh: P.V
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Ngoại vụ Nghệ An và Hiệp hội KTCA. Ảnh: P.V
P.V: Là ngành chủ quản, Sở Ngoại vụ có những định hướng tham mưu như thế nào để Nghệ An có thể tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Ngọc Danh: Trước mắt, sở sẽ tập trung nghiên cứu Nghị quyết để vừa cụ thể hóa, vừa tiếp tục xây dựng bổ sung một số nội dung chương trình cho 5 năm tới, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, sự chỉ đạo, quản lý của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. 
Trong bối cảnh cộng đồng ASEAN sắp hình thành vào ngày 31/12/2015, Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng khác như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)... đồng thời, ký kết nhiều hiệp định như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương…, nếu nhận thức không đúng về hội nhập, cũng như không có những bước đi mang tính đột phá, vững chắc thì sẽ kìm hãm sự phát triển của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Để các doanh nghiệp - lực lượng trực tiếp và đi đầu trong phát triển kinh tế có thể hoạt động hiệu quả, những người làm công tác đối ngoại phải song hành cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, thâm nhập và làm cầu nối cho các doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài trên tất cả các phương diện. 
Tôi cho rằng, đến thời điểm này, Nghệ An đã từng bước vượt qua khó khăn, bắt đầu “cất cánh” cho một nhiệm kỳ mới. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự. Tiêu biểu như: Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Nhà máy xi măng Sông Lam, Nhà máy xi măng Tân Thắng, Nhà máy sản xuất tôn, thép của Tập đoàn Hoa Sen, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH - True milk, Nhà máy chế biến thực phẩm Massan, Nhà máy chế biến cá hộp Royal Foods (Thái Lan), Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy sản xuất MDF ở Nghĩa Đàn...
Hiện trên địa bàn tỉnh có 26 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5.118 tỷ đồng; Vận động và triển khai thực hiện 31 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư 750 triệu USD. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ cho 33 chương trình, dự án và phi dự án với tổng nguồn vốn cam kết tài trợ là gần 4,9 triệu USD. 
Trên nền tảng thuận lợi đó, chúng ta cần chủ động vươn lên để đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác truyền thống trên các lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại, giáo dục đào tạo, dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ... bằng các chương trình cụ thể, hiệu quả, tạo bước đột phá trong hoạt động đối ngoại để bạn bè quốc tế hiểu hơn và về với Nghệ An nhiều hơn. Sở Ngoại vụ cũng sẽ phối hợp hiệu quả với các ngành, các cấp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định đối tác, nghiên cứu sâu, thâm nhập kỹ để xem xét và lựa chọn các nhà tư. 
P.V: Để tiếp tục củng cố, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống và xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác mới, trong thời gian tới, sở có kế hoạch cụ thể gì?
Đồng chí Trần Ngọc Danh: Sở sẽ rà soát, đánh giá lại các mối quan hệ hợp tác với các địa phương, vùng lãnh thổ của các nước trên thế giới, qua đó đề xuất hướng củng cố, tăng cường và phát huy hiệu quả các mối quan hệ. Củng cố quan hệ với các địa phương truyền thống như 3 tỉnh của nước bạn Lào chung đường biên giới là Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn; các tỉnh của Lào và Thái Lan trong Hiệp hội APOTC; tỉnh Côtes d’Amor - Cộng hòa Pháp; tỉnh Ulianop - Liên bang Nga, tỉnh Gyeonggi - Hàn Quốc; Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc, tỉnh Gifu - Nhật Bản; TP. Vinh - TP. Newhaven (Vương quốc Anh), huyện Nam Đàn - TP. Thiều Sơn (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc)...
Nghiên cứu mở rộng hợp tác với các đối tác mới như tỉnh Shizuoka  - Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slovakia, Chi Lê, Israel, New Zealand, Iran... Tiếp tục liên kết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức là đầu mối xúc tiến đầu tư như KOTRA (Hàn Quốc), JICA, JETRO (Nhật Bản), Cục Đầu tư nước ngoài và các đầu mối khác để cung cấp thông tin nhằm xúc tiến đầu tư FDI vào Nghệ An. Tăng cường vận động nguồn vốn ODA, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm tranh thủ triển khai được nhiều dự án NGO trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cần tăng cường kêu gọi người Việt Nam, người Nghệ An ở nước ngoài tích cực đóng góp nhân tài, vật lực xây dựng quê hương.  
P.V: Quảng bá là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại. Theo đồng chí, giải pháp nào để làm tốt công tác quảng bá hình ảnh của Nghệ An?
Đồng chí Trần Ngọc Danh: Bên cạnh các dự án phát triển kinh tế, thời gian qua được tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện văn hoá đối ngoại như: Tuần Văn hóa Việt - Nhật; Tuần văn hóa Việt - Pháp; đoàn nhạc Jazz của Hoa Kỳ biểu diễn tại Thành phố Vinh và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Đặc biệt, năm 2014, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhưng xét về góc độ đối ngoại, cần đặt câu hỏi làm thế nào để bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản, giá trị văn hoá địa phương trong tiến trình hội nhập. Chúng tôi đã nghĩ đến việc phối hợp với ngành Văn hóa tiến hành các hoạt động quảng bá bằng nhiều hình thức, trong đó có hoạt động quảng bá, giới thiệu về Dân ca ví, giặm tại các sân bay, các điểm du lịch trong và ngoài nước. Tựu trung, chúng ta cần tận dụng, biến những giá trị truyền thống của địa phương thành những nét thu hút, hấp dẫn đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Trên cơ sở tư duy đó, sắp tới sẽ đẩy mạnh các loại hình du lịch văn hoá, kết nối các tour, tuyến, liên kết du lịch vùng miền trong và ngoài nước.
P.V: Theo đồng chí, những yếu tố nào cần thiết cho việc thực hiện tốt công tác đối ngoại thời gian tới?
Đồng chí Trần Ngọc Danh: Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động đối ngoại, tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư, nâng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng sân chơi hội nhập. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Nghệ An. Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu hội nhập, trong đó ưu tiên thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên viên đối ngoại giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, nhất là luật quốc tế và có bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại phù hợp với tình hình mới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí! 
An Nhân
 

Tin mới