Tàu sân bay Liêu Ninh cùng 40 chiến hạm di chuyển trên Biển Đông

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay Trung Quốc cùng biên đội hộ tống dàn hàng ở phía nam đảo Hải Nam.
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng 40 chiến hạm di chuyển trên Biển Đông ảnh 1

Tàu sân bay Liêu Ninh (khoanh đỏ) trong đội hình chiến hạm Trung Quốc. Ảnh: Planet Labs

Trong ảnh ngày 26/3 do Planet Labs chụp, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 chiến hạm Trung Quốc di chuyển theo đội hình hàng hai ngoài khơi đảo Hải Nam, Reuters đưa tin.

Hải quân Trung Quốc cuối tuần trước thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tham gia tập trận trên Biển Đông, nhưng không cho biết địa điểm và thời gian cụ thể.

Các nhà phân tích cho rằng đây là đội hình tàu chiến tương đối lớn và hiếm gặp. Việc các tàu chiến di chuyển với tàu sân bay Liêu Ninh ở trung tâm mang tính phô diễn lực lượng nhiều hơn là thể hiện khả năng thực chiến. Ngoài tàu sân bay và tàu mặt nước, dường như còn có tàu ngầm và nhiều máy bay chiến đấu, dẫn đầu đội hình.

"Đó là bức ảnh đáng kinh ngạc. Đây là tin tức quan trọng, xác nhận rằng tàu sân bay Liêu Ninh có tham gia cuộc diễn tập này", chuyên gia an ninh Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury tại Mỹ cho biết.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ngày 20/3 di chuyển qua eo biển Đài Loan, trong một động thái được cho là đáp trả Đạo luật Đi lại Đài Loan được Mỹ thông qua nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên.

Tuyên bố về kế hoạch tập trận được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ ngày 23/3 thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố hành động của Washington "khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng", khẳng định sẽ tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông.

"Dựa trên ảnh vệ tinh, có vẻ Bắc Kinh muốn cho thấy lực lượng thuộc Hạm đội Nam Hải có khả năng hội quân với biên đội tàu sân bay từ cảng Đại Liên ở phía bắc. Họ dường như đang thể hiện khả năng tác chiến liên hạm đội, điều mà hải quân Trung Quốc tìm cách phát triển từ lâu", nhà phân tích Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nhận định.

Hải quân và hải cảnh Trung Quốc được mở rộng đáng kể trong những năm qua, nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệp đồng tác chiến của các lực lượng này vẫn ít được biết tới. Ông Koh cho rằng đội hình tàu chiến Trung Quốc có cả tàu chở dầu và hậu cần, nhiều chiến hạm nhỏ, tốc độ cao.

"Điều này cho thấy Bắc Kinh đủ sức triển khai lực lượng có quy mô lớn, nhưng chúng ta vẫn không thể chắc chắn về khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân Trung Quốc", ông Koh nói.

Tin mới