Hào thành cổ Vinh. Ảnh: Duy Sơn

Thành phố Vinh: Vận hội và vị thế mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, thành phố Vinh đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào.

Kinh tế thành phố có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2022 đạt 8,05%, cao hơn mức bình quân của cả nước và tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quan hệ đối ngoại được rộng mở, vị thế của thành phố được nâng lên một bước.

Thu ngân sách trên địa bàn đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh. Quản lý đất đai, đô thị từng bước đi vào nền nếp. Quy hoạch đô thị phát triển theo hướng văn minh hiện đại; công tác quản lý và chỉnh trang đô thị được chú trọng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được tăng cường, nhiều khu đô thị mới, tòa chung cư, văn phòng, khách sạn cao tầng, siêu thị, các tổ hợp công trình nhiều chức năng được xây dựng, bộ mặt, dáng vóc đô thị ngày càng đổi thay, khang trang, hiện đại hơn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế được chăm lo. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

bna- Đền thờ Hoàng đế Quang tring, sách .jpeg
Thành phố Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn

Một số lĩnh vực như: Du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin đã hình thành yếu tố trung tâm vùng. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đơn thư và những vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết kịp thời. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố và tăng cường, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền thành phố.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của tỉnh và Trung ương, thành phố Vinh chưa trở thành đô thị vượt trội so với các đô thị khác trong khu vực, nhất là khả năng kết nối, tạo liên kết vùng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, sáng tạo. Hạn chế đó có nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề mấu chốt là do nguồn lực còn thiếu, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phù hợp, không gian phát triển chậm được mở rộng để thành phố phát triển xứng tầm với vai trò là đầu tàu hội nhập, tiên phong phát triển và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu của vùng. Những nguyên nhân, điểm nghẽn này đã được Trung ương, tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh đánh giá, phân tích kỹ trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị.

đường 72 m lên hưng nguyên.jpeg
Đường 72m từ thành phố Vinh lên Hưng Nguyên. Ảnh: Thế Thắng

Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: "...cần tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ", tiếp tục xác định sự phát triển của thành phố Vinh đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh với lộ trình hoàn thành trong năm 2024, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thành phố phát triển.

Được Trung ương và tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố, song cũng là trách nhiệm, thử thách lớn đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Vinh phải nỗ lực cao, quyết tâm chính trị lớn để thực hiện. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đã đánh giá toàn diện các vướng mắc, điểm nghẽn, nhận diện lại các tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển, định hình thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện hệ mục tiêu chiến lược phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế, từ đó, đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là:

Thứ nhất, chủ động tham mưu, phối hợp, sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính, tạo không gian phù hợp cho thành phố phát triển. Theo đó, kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với xây dựng, thực hiện chương trình phát triển đô thị. Thực hiện tốt phân vùng phát triển đô thị và các khu chức năng, hình thành đô thị biển hiện đại, có sức hấp dẫn cao, hài hòa với cảnh quan, thiên nhiên, có điểm nhấn đa dạng về kiến trúc. Phối hợp, triển khai lập, quản lý, thực hiện tốt quy hoạch chung vùng Nam Nghệ - Bắc Hà; đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị hướng biển dọc hai bờ sông Lam. Điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển với các địa phương phụ cận, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.

Hào thành cổ Vinh, duy sơn.jpeg
Hào thành cổ Vinh. Ảnh: Duy Sơn

Thứ hai, tập trung huy động mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng số, nhanh chóng đưa thành phố Vinh trở thành động lực tăng trưởng, liên kết và lan tỏa phát triển định hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo chính của tỉnh Nghệ An và của vùng.

Xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án “Thành phố ánh sáng” gắn với xây dựng đô thị thông minh, tạo điểm nhấn đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế đêm. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, tạo động lực để đột phá phát triển giao thông như: Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, Ga Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, các tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường kết nối thành phố Vinh với thị xã Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Tập trung thu hút đầu tư, với cơ chế ưu đãi phù hợp để khai thác tốt tiềm năng biển Cửa Lò, phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.

Thứ ba, phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong đó, ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giáo dục, y tế, sớm đưa thành phố Vinh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe và đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng.

Ưu tiên triển khai đề án cơ cấu lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, lấy Trường Đại học Vinh làm nòng cốt để xây dựng trung tâm đào tạo tầm cỡ khu vực và cả nước. Tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc tế.

Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm y tế chuyên sâu, trình độ cao; tiếp tục phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối, có vai trò vùng như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng đặc biệt; Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Đa khoa Y Dược cổ truyền; xây dựng Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện chuyên Khoa Tim mạch, các trung tâm chuyên sâu trực thuộc các Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh, từng bước đưa thành phố Vinh trở thành thành phố ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đổi mới - khởi nghiệp - sáng tạo của vùng và cả nước. Lấy doanh nghiệp làm nền tảng, khoa học - công nghệ làm trụ cột, tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học công nghệ trên địa bàn, trong đó, tập trung vào các nền tảng phát triển kinh tế số như cơ sở dữ liệu lớn, mạng kết nối, sàn giao dịch công nghệ quy mô vùng…

Thứ tư, tập trung cao, tạo đột phá về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn. Xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, chuyên nghiệp, hiện đại lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hoàn thiện, đồng bộ thể chế, chính sách; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và hiệu quả thu hút nguồn lực phát triển.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; đồng thời, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.

bna- sách 4.jpeg
Thành phố bên bờ sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn

Thứ năm, thành phố tiếp tục kiến nghị cấp trên phân cấp, ủy quyền cho thành phố trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của thành phố. Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để xây dựng, báo cáo kiến nghị tỉnh bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ một số cơ chế, chính sách vượt trội cho thành phố Vinh. Đây chính là chìa khóa quyết định, là cơ sở, động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá nêu trên, thành phố Vinh xác định cần nâng cao năng lực quản trị và tính chuyên nghiệp; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu là trung tâm phát triển vùng. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ dân trí, xứng tầm "Thành phố học tập toàn cầu" đã được UNESCO công nhận. Thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ tư duy, sức sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tạo sự lan tỏa trong toàn thành phố. Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn mới.

Trên chặng đường mới, nhiệm vụ mới, khí thế mới, thành phố Vinh sẽ nắm bắt thời cơ, vận hội, vươn lên phát triển xứng tầm vai trò và vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, góp phần cùng tỉnh Nghệ An thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tin mới