Thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với cô Bùi Thị Lài - người có hơn 30 năm gắn bó với học sinh khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An.

P.V: Được biết, ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, cô là một trong những giáo viên gắn bó lâu nhất với công tác chăm sóc, dạy dỗ học sinh khuyết tật. Vậy cô có thể chia sẻ về quá trình công tác tại Trung tâm?

Cô giáo Bùi Thị Lài: Tôi sinh năm 1972 ở xã Đức Tùng (nay là xã Tùng Châu) của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, bố tôi là cán bộ Trung tâm Giáo dục dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An), còn mẹ tôi là giáo viên cấp 2. Khi tôi được hơn 3 tuổi, mẹ tôi mất nên hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Chính vì vậy, nên năm 1990, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi được tiếp nhận vào làm việc tại cơ quan của bố (Trung tâm Giáo dục dạy nghề người tàn tật) với tư cách là nhân viên phục vụ, chăm sóc các học sinh khuyết tật.

bna_cô Liễu.jpg
Cô Bùi Thị Lài - Giáo viên Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Trong quá trình làm việc, tôi được tiếp xúc với các cô giáo của trung tâm, đặc biệt là các thầy cô của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và được các thầy, cô động viên theo nghề dạy văn hóa cho các học sinh khuyết tật. Sau hơn 1 năm về trung tâm, tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy, vừa làm, vừa học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các giáo viên đi trước cũng như các chuyên gia về giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Càng tiếp xúc với các học sinh đặc biệt, tôi càng muốn gắn bó lâu dài hơn với công việc của một giáo viên dạy học sinh khuyết tật, và rồi xác định đó là “nghiệp” của mình. Mà đã là nghiệp thì phải chuẩn hóa bằng cấp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, vì vậy năm 1996, tôi xin phép đơn vị theo học khóa cử nhân sư phạm ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp khóa học, tôi tiếp tục công việc dạy văn hóa tại Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh.

Đến năm 2007, trước yêu cầu của đơn vị là tăng cường dạy nghề cho học sinh, tôi chuyển sang công việc dạy nghề thêu cho đến nay. Trước đó, tôi cũng đã trải qua một khóa đào tạo kỹ năng dạy nghề cho học sinh khuyết tật và hoàn thành khóa học với chứng chỉ xuất sắc. Như vậy, đến nay, tôi đã có hơn 33 năm gắn với với các học sinh khuyết tật, trong đó có gần 16 năm dạy văn hóa và 16 năm dạy nghề cho các em.

P.V: Như cô đã nói, học sinh của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh là những học sinh đặc biệt. Vậy cô có thể cho biết việc dạy văn hóa, dạy nghề cho học sinh khuyết tật có những đặc thù nào, và những giáo viên ở Trung tâm cần có những kỹ năng đặc biệt nào?

Cô giáo Bùi Thị Lài: Tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, các cán bộ, giáo viên chúng tôi chịu trách nhiệm dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người khuyết tật; phối hợp tư vấn, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ; tổ chức cho học sinh ăn ở nội trú, bán trú khi vào học tại Trung tâm.

Thời gian đầu tôi về công tác, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng vài chục học sinh khuyết tật. Sau 30 năm, quy mô, nhiệm vụ của Trung tâm được nâng cấp để đáp ứng với nhu cầu xã hội nên những năm gần đây mỗi năm Trung tâm tiếp nhận từ 100 - 150 học sinh. Phần lớn các em đều là con hộ nghèo; nếu ở nhà với gia đình, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập, hòa nhập với xã hội. Nhưng đến đây, các em được học văn hóa, học nghề, học kỹ năng tự lập để làm chủ cuộc đời.

bna_các em học sinh khuyết tật.jpg
Các em học sinh của Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An trong chương trình vui Trung thu năm 2023. Ảnh: Minh Quân

Có rất nhiều điều đặc biệt để nói về những học sinh tại Trung tâm. Trong quá trình công tác, tôi đã tiếp xúc với học sinh ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau, từ khiếm thị, khiếm thính (câm, điếc) cho đến khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ. Do đặc thù của từng dạng tật, mức độ khiếm khuyết nên nhu cầu và khả năng học tập của mỗi học sinh khuyết tật cũng khác nhau nhưng điểm chung là đều gặp khó khăn hơn nhiều so với người bình thường trong việc học văn hóa, học nghề.

Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một học sinh khuyết tật còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Trong một lớp học cho học sinh khuyết tật, dù là ở khối văn hóa hay khối dạy nghề, các em có độ tuổi nhập học khác nhau, các dạng tật khác nhau, mức độ tật và tâm sinh lý phát triển không đồng đều.

Do vậy, khi nhận lớp giáo viên phải nắm chắc bệnh lý của học sinh và kỹ năng của từng em để sử dụng các biện pháp giáo dục hiệu quả. Trước khi là cô giáo thì phải làm bạn, tạo sự thân thiện, gần gũi để các em mạnh dạn hơn, tự tin hòa nhập và vui chơi cùng tập thể. Để làm được điều đó, giáo viên cần có sự kiên trì, không nóng nảy và sự thông cảm, chia sẻ...

bna_Bùi Thị Lài (1).jpg
Cô giáo Bùi Thị Lài và các em học sinh lớp nghề thêu. Ảnh: Minh Quân

Có thể nói, dù đã trải qua một số khóa học về giáo dục chuyên biệt, dù được thường xuyên tập huấn về dạy văn hóa, dạy nghề cho người khuyết tật nhưng thực tế cho thấy, công việc dạy một học sinh khuyết tật khó khăn hơn rất nhiều so với những gì tôi được đào tạo. Thậm chí những năm đầu tôi từng có cảm giác mặc cảm vì mình là giáo viên dạy người khuyết tật. Nhưng giáo viên nản lòng thì gia đình các em ấy cũng bỏ cuộc và tương lai của các em sẽ mờ mịt.

Với suy nghĩ ấy mà tôi cùng các giáo viên của trung tâm động viên nhau nỗ lực vượt khó, truyền cảm hứng, tình yêu thương cho các em qua những bài giảng, qua từng hành động, cử chỉ uốn nắn cho các học sinh mỗi ngày, giúp các em xóa bỏ mặc cảm.

P.V: Là người gắn bó nhiều năm với công tác dạy nghề cho người khuyết tật, chắc hẳn cô sẽ có không ít kỷ niệm vui, buồn. Cô có thể chia sẻ một vài kỷ niệm, một vài câu chuyện đáng nhớ trong quá trình công tác?

Cô giáo Bùi Thị Lài: Qua hơn 30 năm công tác, tôi có rất nhiều kỷ niệm với học sinh khuyết tật. Như thời gian đầu làm công việc dạy văn hóa, đối tượng học sinh của tôi chủ yếu là các em khiếm thị. Người ta nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, với các học sinh khiếm thị, cuộc sống của các em rất khó khăn và thiệt thòi. Thời gian đầu vào trung tâm, mọi công đoạn ăn uống, sinh hoạt của các em cần có sự giúp đỡ của các cô giáo. Nhưng bù lại, các em nghe được, nói được nên việc giao tiếp cũng thuận lợi, nhiều em có tư duy thông minh và cũng rất giàu tình cảm.

Trước đây, giáo viên của Trung tâm không chỉ dạy một buổi như bây giờ mà sáng dạy, trưa cho học sinh ăn, rồi chiều tối cũng phải lên lớp để sinh hoạt cùng các em. Nói chung vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là bạn, cũng vất vả lắm nhưng càng gần gũi học sinh, được lắng nghe những chia sẻ của các em, được chứng kiến các em ngày một tự tin hơn trong cuộc sống với những kiến thức, kỹ năng đã học được, lại càng thấy yêu, thấy cảm, thấy vợi hết mọi vất vả.

bna_Bùi Thị Lài (3).jpg
Cô giáo Bùi Thị Lài hướng dẫn thao tác thực hành nghề thêu cho các em học sinh khuyết tật. Ảnh: Minh Quân

Những học sinh đầu tiên của tôi, đến nay có nhiều em đã có thể tự kiếm sống, nhiều em còn có chỗ đứng trong xã hội như em Phan Thị Hoa - Nguyên Chủ tịch Hội Người mù thành phố Vinh; em Phan Thị Thương Hoài hiện là Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Kỳ… Dù chỉ dạy các em những năm đầu bậc tiểu học nhưng cho đến tận hôm nay các em vẫn xem tôi như như người thân, vẫn tìm đến chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống. Nhiều em có việc làm, ngày xây dựng gia đình còn đến mời tôi tham dự.

Qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, của việc chăm sóc y tế, đối tượng học sinh khiếm thị đến với trung tâm ít dần nhưng đối tượng khiếm thính, khuyết tật vận động, đặc biệt là đối tượng khuyết tật trí tuệ lại tăng lên. So với đối tượng học sinh khiếm thị những năm 1990 thì các đối tượng học sinh này có hoàn cảnh gia đình đỡ khó khăn hơn, thậm chí có nhiều em đến từ những gia đình khá giả.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ trường hợp em Ban bị khuyết tật trí tuệ ở phường Trường Thi, thành phố Vinh. Gia đình rất nghèo, em là con một, bố mẹ đều tuổi cao, sức khỏe yếu. Sau thời gian không thể học hòa nhập ở trường phổ thông, em được bố mẹ gửi vào Trung tâm. Tuy khiếm khuyết về trí tuệ nhưng em rất nghị lực, ngày nào cũng đạp xe hơn 5 cây số từ nhà đến trung tâm, và cũng rất cá tính.

Với những học sinh như Ban, ngoài việc thường xuyên kiên trì trò chuyện, động viên, để em có thể tiếp thu kiến thức các môn tiếng Việt, Toán, tôi còn phải áp dụng các tình huống thực tế trong cuộc sống như diễn trò đi chợ mua bán, rồi sử dụng những hình ảnh, đồ vật trực quan sinh động. Nhờ đó, đến lúc kết thúc khóa học văn hóa, em đã có thể viết những câu đơn giản, biết tính toán trong phạm vi hẹp. Sau đó, em đã có thể tự kiếm sống bằng nghề bán nước giải khát.

Sau này, khi chuyển sang dạy nghề, tôi nhận ra rằng có nhiều em dù bị khuyết tật ở tay, chân nhưng các em tiếp thu các bài học về nghề thêu rất nhanh và chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể làm ra những sản phẩm rất đẹp. Mỗi ngày trôi qua, từ chỗ các em cầm được cây kim, thêu những mũi chỉ vụng về, đến khi tay nghề của các em được khẳng định, sản phẩm thủ công ngày càng đẹp, tôi lại thêm yêu và tự hào về con đường mình đã chọn.

P.V: Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật, cô có thể chia sẻ về những trăn trở của mình đối với công tác dạy văn hóa, dạy nghề cho người khuyết tật?

Cô giáo Bùi Thị Lài: Qua thời gian công tác ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An, tôi thấy rằng hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật ngày càng nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm.

Tuy nhiên, hầu hết các em học sinh đến đây đều là những người tàn tật ở mức độ nặng, mang nhiều loại tật khác nhau. Gia đình các em lại ở xa, hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn nên ít có điều kiện phối hợp với Trung tâm trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình. Ngoài ra, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm còn thiếu thốn, nguồn lực của tỉnh cho công tác dạy nghề đối với người khuyết tật còn rất thấp so với yêu cầu.

bna_học sinh khuyết tật học may.jpg
Học sinh khuyết tật học nghề may tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Mặt khác, đối với công tác dạy nghề cho người khuyết tật hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định về chương trình khung đào tạo nghề, thời gian đào tạo nghề, tài liệu giáo trình dạy nghề cho người khuyết tật. Thêm vào đó, hiện chưa có chính sách đồng bộ về tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, dẫn đến quá trình tiếp cận cơ hội học nghề, tìm việc làm của người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, rất cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật để thắp sáng ngọn lửa niềm tin cho người khuyết tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội.

P.V: Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

Tin mới