Nhân sĩ, trí thức, luật gia góp ý sửa đổi Hiến pháp

Các vấn đề về chế định dân chủ, quyền con người, vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước được nhiều đại biểu cho ý kiến

Sáng 20/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Các đại biểu cho rằng, Dự thảo Hiến pháp tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời có nhiều điểm mới quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn đất nước hiện nay, đặc biệt vấn đề quyền con người được nhấn mạnh và đề cao.

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Vấn đề về chế định dân chủ trong Dự thảo Hiến pháp là một trong những nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến trong buổi đóng góp ý kiến. Các đại biểu đề nghị, cần kế thừa tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp 1946: Dân chủ là cốt lõi của mọi vấn đề và nhân dân ở vị trí cao nhất trong xã hội. Những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Mọi người, trong đó có đảng viên và cán bộ công chức đều là công bộc của dân. Định chế dân chủ gắn liền với xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Hiến pháp lần này đã kế thừa tinh thần lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng xác định đúng nội dung của Hiến pháp theo Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, GS Đạt cũng băn khoăn về những nội dung chưa rõ trong vấn đề này bởi cách diễn giải khó hiểu, gây sự hiểu nhầm cho người đọc. “Tôi đề nghị các vấn đề khi đã được luật hóa thì nên rõ ràng, cụ thể, tránh sự hiểu nhầm cho mọi người”- GS Đạt nói.

Vấn đề quyền con người cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Các đại biểu cho rằng, dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Điều 45 dự thảo quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xem xét bổ sung, sửa điều này thành “Nhà nước quản lý việc xác định thành phần và tên gọi dân tộc theo tiêu chí dân tộc, công dân có quyền lựa chọn thành phần dân tộc của mình”.

Cũng tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân.

Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước và nhân dân; trong đó có vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, đặc biệt, cần khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và Nhà nước bảo đảm hoạt động của MTTQ./.

Theo (vov.vn) - L.T

Tin mới