Cần có chính sách đãi ngộ thanh niên xuất ngũ

(Baonghean.vn)- Liên quan đến nội dung phiên thảo luận hội trường về Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), cử tri Nghệ An mong muốn có nhiều chính sách đãi ngộ thanh niên xuất ngũ hơn nữa.

Phiên họp ngày 21/11, các đại biểu Quốc hội thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam với 81,21% số đại biểu tán thành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Một số điểm quan trọng nhất của Dự thảo là việc tăng thời hạn tại ngũ lên 24 tháng thay vì 18 tháng như hiện nay; Luật hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, hạn chế tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ. Dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ; Chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”…

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng hoa cho thanh niên thành phố Vinh trước khi lên đường nhập ngũ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng hoa cho thanh niên thành phố Vinh trước khi lên đường nhập ngũ (ảnh minh họa).

Là người theo dõi sát sao nội dung của Dự thảo Luật từ khi mới được soạn thảo và trình lên Quốc hội xem xét, Đại tá Đinh Xuân Tứ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc  Dioxin Nghệ An khẳng định, những nội dung sửa đổi là hết sức cần thiết.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến lên hiện đại, chính quy, việc tăng thời gian tại ngũ từ 18 tháng lên 24 tháng sẽ giúp chiến sĩ được huấn luyện chính trị, quân sự, bản lĩnh chiến đấu và kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, góp phần đưa Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng tinh nhuệ, hiện đại.  Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà các hiểm họa thiên tai, cháy nổ thường xuyên xảy ra, cần có sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, nên việc tăng thời gian tại ngũ là điều cần thiết. “Không chỉ giúp chiến sĩ có thêm thời gian để rèn luyện, học tập mà khoảng thời gian này còn có ý nghĩa đối với địa phương bởi sau khi được đào tạo, huấn luyện bài bản thì khi  xuất ngũ những người sẽ trở thành nòng cốt của các đội dân quân, du kích địa phương”, Đại tá Tứ khẳng định.

Về thời nội dung tăng tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ, đại tá Tứ cho rằng, đây là điều khoản góp phần huy động được đội ngũ tri thức vào phục vụ quân đội đồng thời tăng cường số lượng người nhập ngũ. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực ngành nghề, chuyên ngành mà quân đội chưa đào tạo được thì sẽ được bổ sung nguồn nhân lực kịp thời.

Cử tri mong muốn luật hóa chính sách cho thanh niên hết thời gian quân ngũ.
Cử tri mong muốn luật hóa chính sách cho thanh niên hết thời gian quân ngũ.

Một số cử tri là cán bộ quân đội ở tỉnh Nghệ An cho rằng, nội dung của dự thảo luật sẽ góp phần tạo nên công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính sách nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ vẻ vang của mỗi công dân. Lâu nay, đối tượng nhập ngũ thường tập trung đông ở nông thôn và rơi vào các gia đình khó khăn. Dự luật mới sẽ thay đổi điều này. Đại tá Trần Nguyên Ngọc – Trưởng Ban tuyên giáo Hội CCB tỉnh Nghệ An phấn khởi cho biết: Tôi rất đồng tình với Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) lần này. Dự Luật cho thấy sự hợp lý về thời gian đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc tăng thời gian đã đảm bảo yêu cầu phát triển và sử dụng vũ khí, khí tài quân sự đáp ứng những đòi hỏi của khách quan đặt ra. Đặc biệt không có sự phân biệt đối xử trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân. Điều này cũng đã được quy định trong Hiến pháp.

Bên cạnh đó, chính sách đối với thanh niên xuất ngũ cũng được các cử tri quan tâm đặc biệt. Đại tá Đinh Xuân Tứ cho rằng, số tiền mà thanh niên xuất ngũ nhận được không đáng là bao nhiêu. Cái quan trọng là nhà nước phải tạo công ăn việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Nếu điều này được luật hóa thì các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội sẽ phải có nghĩa vụ chăm lo lực lượng thanh niên xuất ngũ, điều này sẽ giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực cho thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Mặc dù Quốc hội đang thảo luận về dự luật sửa đổi, tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, các cử tri đều chưa nắm rõ những nội dung cơ bản của dự luật. Một thượng tá quân đội về hưu, từng có 10 năm làm công tác tuyển quân cho rằng, nếu dự luật được tuyên truyền rộng rãi, lấy ý kiến người dân trước khi đưa ra Quốc hội bàn thảo thì sẽ sát với tình hình thực tế hơn, sẽ huy động được trí tuệ tập thể và dự luật sẽ đạt chất lượng cao hơn.

 Đ.Tuấn - N.Khoa
 

Tin mới