Ông Nguyễn Hạnh Phúc: "Nghệ sỹ chỉ biết hát vào Quốc hội rất khó!"

“Đại biểu Quốc hội không chỉ cần hát hay mà phải cần sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, có năng lực để tham gia vào các dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...” - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trước việc nhiều văn nghệ sỹ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng điều này “chứng tỏ các văn nghệ sỹ rất yêu quý Quốc hội”. Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh “chuyện ứng cử Quốc hội là quyền của họ nhưng là ĐBQH không phải chỉ hát hay, mà ĐBQH phải hiểu biết nhiều lĩnh vực, có năng lực để tham gia xây dựng các dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...”.

Tổng thư ký
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Nếu chỉ biết hát không thôi vào Quốc hội là rất khó!"

Ông Phúc nhận định: “Nếu văn nghệ sỹ nào có trình độ như vậy thì rất hoan nghênh, còn nếu chỉ biết hát không thôi vào Quốc hội là rất khó. Quốc hội hoan nghênh nhưng phải đủ tiêu chuẩn và cử tri sẽ chọn lựa người ĐB mình tin tưởng để bỏ phiếu”.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng không hề có sự phân biệt nào giữa ĐB do tổ chức giới thiệu và ĐB tự ứng cử. Hiện nay trong số các hồ sơ gửi về thì việc kê khai là hoàn toàn giống nhau, không có gì khác biệt giữa 2 đối tượng này. 

“Mọi quyền lợi giữa ĐB tự ứng cử và được giới thiệu đều như nhau, đã được quy định rõ trong Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, UBND. [...] Khi đi vận động bầu cử cũng vậy, từng người sẽ giới thiệu và báo cáo chương trình hành động của mình trước cử tri. Tôi không thấy bất kỳ sự phân biệt nào”- ông Phúc cho biết.

Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, ĐBQH mang ý chí nguyện vọng của cử tri, do nhân dân bầu ra và phát biểu ý kiến trước Quốc hội dựa trên cơ sở ý chí nguyện vọng của dân chứ không phải ý kiến của riêng cá nhân mình. 

“Không phải cứ vào Quốc hội, nói trên nghị trường thì muốn phát biểu gì thì phát biểu mà phải dựa trên ý kiến của nhân dân, thay mặt nhân dân phát biểu. Không ai đứng trên dân, nói khác ý kiến của dân được” – ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng khái nói.

Nói thêm về chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII sẽ diễn ra trong 19 ngày (từ 21/3 đến 12/4/2016), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, bãi nhiệm một số chức danh cũ của Uỷ viên Bộ Chính trị đã nhận nhiệm vụ mới sau Đại hội Đảng XII (như Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng...). Ngoài các chức danh chủ chốt, Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn một số chức danh thành viên Chính phủ; thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Chương trình cụ thể sẽ trình Quốc hội tại phiên họp trù bị của Kỳ họp khoá 11.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới