Nghệ An: Sẽ nâng mức thưởng đối với học sinh giỏi Quốc gia trong đào tạo nghề

(Baonghean.vn) - Xuất phát từ thực tiễn một tỉnh dân số đông, nguồn lao động lớn, nhưng tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật quá thấp, tỉnh đã ban hành một đề án về đào tạo lao động kỹ thuật. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về một số vấn đề liên quan.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết lý do nào để tỉnh ta ban hành Đề án đào tạo lao động kỹ thuật?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số và nguồn lao động lớn. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 67% tổng dân số toàn tỉnh, tương đương hơn 1,9 triệu người.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33%, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật qua đào tạo trung cấp nghề và cao đẳng nghề chỉ mới đạt 5,54%.

Trước yêu cầu hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu, cơ hội và thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao. 

Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Vinh trong giờ thực hành tiện
Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Vinh trong giờ thực hành tiện

Phóng viên: Vậy sau 4 năm triển khai thực hiện đề án, đồng chí có thể đánh giá những cái được và chưa được ở đề án này là gì?

Đồng chí Lê Xuân Đại:  Sau 4 năm thực hiện Đề án Đào tạo lao động kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả đáng ghi nhận.

Nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người lao động về công tác đào tạo lao động kỹ thuật được nâng lên rõ rệt.

Năng lực, chất lượng của các cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật được nâng lên. Hiện toàn tỉnh có 22 cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật, gồm 3 trường đại học, 7  trường cao đẳng, 12 trường trung cấp.

Trong đó, có 3 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường nghề chất lượng cao;13 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm theo 3 cấp độ: Quốc tế, khu vực ASEAN và Quốc gia.

Sau 4 năm thực hiện Đề án Đào tạo lao động kỹ thuật, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 51.131 người (tăng 12,6% so với giai đoạn 2008 - 2011). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 44% năm 2011 lên 55% năm 2015 (tăng 11%); trong đó, qua đào tạo nghề tăng từ 36% lên 48%  năm 2015 (tăng 12%).

Hằng năm, tỷ lệ học sinh Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề tốt nghiệp đạt trên 95% (khá giỏi chiếm 31%); qua các kỳ thi tay nghề cấp Quốc gia và Khu vực ASEAN, học sinh học nghề của tỉnh đều đạt giải cao.

Số lao động kỹ thuật sau đào tạo có việc làm đạt 86%. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động, 80 - 85% lao động kỹ thuật được sử dụng đúng trình độ đào tạo.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, sau 4 năm thực hiện Đề án công tác đào tạo lao động kỹ thuật vẫn còn môt số tồn tại. 

Chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật của một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn và chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trình độ ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật... chưa cao; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp của người lao động còn hạn chế. Cơ cấu một số ngành nghề còn mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động.

Giờ thực hành hàn của sinh viên Trường trung cấp Nghề huyện Yên Thành
Giờ thực hành hàn của sinh viên Trường trung cấp Nghề huyện Yên Thành

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của một tỉnh công nghiệp mà Nghệ An đang hướng tới, theo đồng chí các giải pháp cần tiếp tục tập trung trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí.

Đồng chí Lê Xuân Đại: Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

- Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lao động kỹ thuật 

- Thực hiện tốt công tác điều tra khảo sát nhu cầu thị trường sử dụng lao lao động hằng năm và kế hoạch trong 5 năm tới gắn với điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động

Phân luồng, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT để gắn với giải quyết việc làm

 - Tiếp tục thực hiện hoàn thành quy hoạch mạng lưới, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 

- Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình đào tạo và bố trí việc làm cho lao động sau đào tạo

 - Rà soát bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đào tạo lao động kỹ thuật trên địa bàn tỉnh như: Điều chỉnh tăng định mức dạy nghề trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề cho phù hợp với thực tiễn.

Nâng mức thưởng đối với học sinh giỏi quốc gia trong lĩnh vực đào tạo nghề ngang bằng với mức thưởng học sinh giỏi quốc gia trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Căn cứ qui mô, ngành nghề đào tạo của từng cơ sở đào tạo, bố trí tăng thêm biên chế giáo viên trực tiếp giảng dạy đảm bảo tỷ lệ 20 học sinh, sinh viên/giáo viên.        

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Minh Chi (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới