Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu

(Baonghean) - Xuất khẩu lao động đã, đang và sẽ là con đường giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập để thoát nghèo cho lao động trẻ ở nông thôn. Trong nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình, vùng quê nghèo khó trở nên khấm khá hơn trước nhiều.
Một buổi học về định hướng cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc ở trường CĐKT Việt - Hàn
Một buổi học về định hướng cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc ở trường CĐKT Việt - Hàn 

Vì thế xuất khẩu lao động luôn là lĩnh vực hấp dẫn với nhiều người. Là lĩnh vực sinh lợi nhiều, có sức hút lớn với đông đảo cư dân khu vực nông thôn nên rất nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia đem lại nhiều lợi nhuận. Từ đây mới nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, khiến lĩnh vực xuất khẩu lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh như hiện tại, xuất khẩu lao động vẫn là con đường được nhiều người hy vọng, tin tưởng và là nơi biến ước mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu của không ít gia đình. Vì thế, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là phải tạo dựng được một môi trường lành mạnh để xuất khẩu lao động trở thành một mũi nhọn của nền kinh tế đất nước.

Việc cần làm trước hết là phải thiết lập được một thị trường lao động ổn định và lâu dài. Để làm được việc này, phải đưa lao động Việt Nam trở thành một thương hiệu có uy tín trong các vùng, lãnh thổ có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cao. Bao gồm nâng cao chất lượng tay nghề và nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật lao động và pháp luật nước sở tại. Trước hết là phải bảo đảm tất cả các lao động đều được đào tạo nghề phù hợp điều kiện, năng lực của lao động và đòi hỏi của từng thị trường lao động ở các quốc gia tiếp nhận lao động Việt  trước khi xuất khẩu. Cùng với đào tạo nghề là phải đào tạo ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu. Tùy thị trường lao động mà lựa chọn việc dạy ngoại ngữ cho phù hợp. Vì chỉ có một đội ngũ lao động có tay nghề, có ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp mới tạo được uy tín trên thị trường lao động quốc tế trong cơ chế hội nhập. Một lãnh đạo của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước đã tổng kết: “Muốn nâng cao số lượng lao động đi nước ngoài làm việc thì phải tăng cường công tác tuyển chọn và đào tạo thật kỹ lưỡng. Chất lượng lao động muốn tốt thì cần đảm bảo ba yếu tố: Kỹ năng tay nghề; trình độ ngoại ngữ; và kinh nghiệm, tác phong làm việc”. 
Song song với đó, là phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nước sở tại và lòng tự tôn dân tộc cho lao động. Để họ không “phá rào” nhảy ra ngoài lao động chui, làm mất uy tín lao động Việt Nam  như trước đây. Bên cạnh đó cần trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật nước sở tại để giúp người lao động  dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc mới. Đây là những việc rất quan trọng, cần phải làm ngay vì phần lớn lao động xuất khẩu nước ta xuất thân ở vùng nông thôn, miền núi. Trình độ văn hóa, tay nghề chuyên môn cũng như khả năng tiếp thu còn thấp. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, thị trường xuất khẩu đang có những bước chuyển khá thuận lợi. Đó là một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Đông Âu tiếp tục có nhu cầu cao tuyển lao động, hàng chục nghìn lao động Việt Nam sẽ có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Những thị trường mới cũng đã có những dấu hiệu tích cực, lạc quan.
Đó là cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở ở những nước phát triển. Cụ thể là chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Khu vực Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại đối với lao động ở ngành xây dựng và dịch vụ… Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng vừa công bố kế hoạch mở rộng nguồn tuyển dụng nhân lực bằng cách nhập khẩu lao động từ chín quốc gia mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm trong nước, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành xuất khẩu lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài và mở rộng các hoạt động để mở các thị trường mới như: Australia, Canada, Bahrain, Angola, Thái Lan…
Vì thế, việc cần kíp nhất trong lúc này là phải khẩn trương nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu cả về tay nghề lẫn ý thức lao động và tuân thủ luật pháp.
Duy Hương 

Tin mới