Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên: 'Chạy đua với nước, cứu diện tích mạ đã gieo'

(Baonghean.vn) - Hiện nay trên địa bàn huyện Hưng Nguyên công tác chống hạn hán đang diễn ra gay gắt, cả huyện có tới gần 900 ha đất trồng lúa chưa có nước sản xuất. Bên cạnh đó, trong số 4100 ha đã gieo cấy được hiện có tới 3000 ha có nguy cơ chết cháy. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Phi - Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về việc chỉ đạo của cấp ủy trong công tác chống hạn.

PV: Thưa đồng chí, được biết Hưng Nguyên là địa bàn thường xuyên gặp hạn mỗi mùa nắng nóng. Vậy nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do nắng nóng địa phương đã có kế hoạch chống hạn như thế nào?

Phóng viên trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Phí - Ủy viên BCH đảng bộ tỉnh - Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên.
Phóng viên trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Phí - Ủy viên BCH đảng bộ tỉnh - Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên.

 Đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư huyện ủy: Rút kinh nghiệm từ năm trước năm nay chúng tôi đã lên kế hoạch ngay từ đầu tháng tư.  Với phương châm gặt đến đâu làm đất bắc mạ ngay đến đó, đồng thời dẫn nước về tiến hành gieo cấy luôn.

Đồng thời Chủ tịch huyện và trường phòng chuyên môn cùng với cấp ủy chính quyền cao xã phải thành lập ngay ban phòng chống hạn hán để kịp thời ứng cứu, giúp dân chống hạn. 

Phương án 1: nếu khan hiếm nước chúng tôi sẽ chỉ sản xuất 4500 ha. Phương án 2: nếu đủ nước sẽ sản xuất 5000ha .

Nếu tính theo phương án 1 hiện nay chúng tôi chỉ còn 400 ha chưa có nước để sản xuất nằm rải rác ở các xã Hưng Mỹ , Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung và Thị trấn. Còn nếu theo phương án 2 chúng tôi còn 900 ha.

PV: Với sự chủ động như thế nhưng hiện tình trạng hạn hán vẫn xảy ra nghiêm trọng theo đồng chi nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư huyện ủy: Từ việc thiếu nước nguồn thôi! Hiện nay chúng tôi đang phân chia nguồn nước như phân gạo cứu đói vậy.

Vì Hưng Nguyên chủ yếu ăn nguồn nước từ Ba ra Nam Đàn. Nhưng sau 13 h nước mới lên mà cũng chỉ bơm được vài tiếng không thể phân phối nước đủ dưỡng cho hơn 3000 ha đã gieo.

Một số diện tích mạ đang có guy cơ bị chết cháy. Ảnh chụp tại xóm 8 xã Hưng Mỹ.
Một số diện tích mạ đang có nguy cơ bị chết cháy. Ảnh chụp tại xóm 8 xã Hưng Mỹ.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã sử dụng cả những giải pháp tại chỗ như huy động các máy bơm của HTX tạo nguồn từ sông Lam vào Hưng Lĩnh về Hưng Đạo , Hưng Xá , Hưng Thông nhưng cũng chỉ bơm được vào từng thời điểm vì nguồn nước ở đây chủ yếu bị nhiễm mặn.

Hơn nữa dù đầu vụ cái nắng không khốc liệt như năm 2015, nền nhiệt không cao như năm trước nhưng do vụ Xuân bị chậm, lịch bơm nước bị đẩy lùi lại.

Đến 10/6 thì nguồn nước trên các sông đã cạn kiệt tương đương đỉnh hạn 2015 dẫn đến nhiều xã rơi vào tình trạng không có nước để sản xuất.

Cán bộ nông nghiệp huyện và các địa phương có hạn gay gắt đang phải gồng mình ngày đêm để điều tiết nước, tăng cường bơm chuyền để vét nguồn nước hồi quy (nguồn nước được xả xuống kênh thủy lợi sau khi đủ nước dưỡng mạ)

PV: Vậy giải pháp sắp tới của huyện là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư huyện ủy:  Dù công tác chủ động chống hạn đã được chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng và được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, xóm cùng vào cuộc thế nhưng hạn vẫn diễn ra khá phức tạp. Thậm chí một số nơi việc tranh cướp nước giữa các xóm giữa các xã đã xảy ra. 

Hiện nay nhiều diện tích thuộc Hưng Mỹ, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Thị trấn chưa có nước để sản xuất. Nhiều diện tích (chiếm tới 600 – 700 ha)  như Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Thắng đã gieo cấy được hiện nay đang rơi vào tình trạng khô, nứt nẻ, lúa héo, có nguy cơ chết cháy.

Hơn nữa hiện tại dịch sâu cuốn lá đang diễn ra nghiêm trọng đại dịch này có thể khiến tất cả các diện tích đã gieo cấy được sẽ bị mất trắng. Nguyên nhân xuất hiện dịch lại là do thiếu nước trầm trọng .Vì thế cấp bách nhất vẫn là cần phải có nước ngay.

Có tới 900 ha chưa có nước để sản xuất, tập trung ở vùng ngoài của huyện.
Có tới 900 ha chưa có nước để sản xuất, tập trung ở vùng ngoài của huyện.

Nên giải pháp trước tiên của chúng tôi vẫn phải là đề xuất với công ty Thủy Nông Nam dồn nước cho Hưng Nguyên. 

Một mặt khi có nước về thì cần điều tiết sao cho những nơi đã gieo cấy nhưng có nguy cơ bị chết cháy phải có nước ngay, sau đó thì huyện và xã cần phối hợp giám sát để nguồn nước được phân phối đồng đều cho những vùng lân cận, tránh tình trạng người dân khi có nước đắp bờ tích trữ, khiến những nơi khác lại thiếu trầm trọng.

PV: Vậy những diện tích chưa gieo cấy được huyện sẽ chỉ đạo như thế nào? 

Đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư huyện ủy:   Chỉ đạo của huyện vẫn là cứu bằng được diện tích đã gieo. Nếu diện tích nào chưa gieo được đợi đến lập thu có mưa sẽ tiến hành gieo những giống ngắn ngày. Kèm theo đó là cơ chế hỗ trợ giống mới (giống ngắn ngày) cho người dân ở những đia bàn bị hạn nặng.

Nếu đến thời điểm đó vẫn không có mưa thì một số diện tích ở vùng sâu trũng sẽ bỏ không gieo cấy nữa vì vụ mùa sẽ rơi vào thời điểm bão lụt. Một số địa bàn tại vùng cao cưỡng sẽ chỉ đạo chuyển đổi sang trồng  ngô.

Hiện công tác cứu lúa chống hạn vẫn là nhiệm vụ chính trị số một của huyện Hưng Nguyên. Vì cây lúa là cây chủ lực của huyện nếu để mất mùa sẽ có nguy cơ thiếu đói tại một số địa bàn.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới