Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

(Baonghean.vn) - Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 3. Trong buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Tại tổ 5, ba đoàn đại biểu Quốc hội gồm tỉnh Nghệ An, Đắc Lắc và tỉnh Bắc Ninh do ông Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, tổ phó điều hành phiên thảo luận.
Ông Phạm Văn Tấn điều hành buổi thảo luận.
Ông Phạm Văn Tấn điều hành buổi thảo luận.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ
Quang cảnh buổi thảo luận tổ 5
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có 11 chương, 120 điều, giảm 4 điều so với Hiến pháp năm 1992. Nội dung của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước, do đó nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một thời gian nhất định để rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp.
Về vị trí, vai trò của Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, cần thiết phải xác định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp một cách cụ thể. Hiến pháp năm 1992 xác định: việc công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có hiệu lực từ ngày được Chủ tịch nước công bố như đã quy định. Về vấn đề này có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia buổi thảo luận
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia buổi thảo luận.
Để đảm bảo cho Hiến pháp được thi hành đầy đủ, đúng đắn, phù hợp với lộ trình hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật, các đại biểu cho rằng cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, đảm bảo cho Hiến pháp được thực hiện nghiêm chỉnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
Việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) liên quan  đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện hành như: Quốc hội và các Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chưa thể tổ chức lại ngay theo quy định mới của Hiến pháp. Vì vậy, Dự thảo quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) khẳng định là các cơ quan nhà nước này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi được thay thế bởi các cơ quan nhà nước tương ứng phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Trong buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. 
Nguyễn Nam

Tin mới