Thủ tướng Chính phủ: Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” tổ chức phiên họp lần thứ nhất.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo.jpeg
Quang cảnh tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Phát biểu đề dẫn phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ba trụ cột của đất nước trong thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay là: xoá quan liêu bao cấp, đa thành phần đa sở hữu, và hội nhập kinh tế. Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế ban hành năm 2013 được đánh giá là văn kiện rất quan trọng của Đảng, đánh dấu cột mốc hội nhập quan trọng: chuyển từ trạng thái hội nhập quốc tế, sang tích cực chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, trên tất cả mọi lĩnh vực.

Nghị quyết số 22 chỉ rõ ba loại hoạt động hội nhập quốc tế, bao gồm: tuân thủ “luật chơi”; tham gia xây dựng “luật chơi”; tham gia các hoạt động chung của khu vực và quốc tế. Thực tiễn hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 10 năm qua, nhất là quá trình đàm phán, ký kết, nội luật hoá và triển khai thực hiện cam kết đối với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), là minh chứng rõ nét cho thấy Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ “luật chơi”, tích cực tham gia đóng góp xây dựng “luật chơi”.

Thủ tướng đánh giá, thực tiễn triển khai trong 10 năm qua cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam tham gia tích cực vào các mối quan hệ, hoạt động quốc tế, góp phần xây dựng đất nước phát triển, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: “Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, uy tín, vị thế quốc tế như hôm nay”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tồn tại những hạn chế. Do đó, đề nghị các thành viên tham gia hội nghị cùng thảo luận, phân tích bài học kinh nghiệm, từ đó đặt ra mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cho thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án - Ảnh- VGP_Nhật Bắc.jpeg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22". Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Tại phiên họp, các đại biểu được nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị từ 5 Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội. Tham gia thảo luận tại phiên họp, các địa phương cùng chỉ ra một số điểm hạn chế như sau: Sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp về hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế; quá trình lồng ghép các hợp tác quốc tế vào kế hoạch phát triển địa phương còn nhiều lúng túng; chưa tận dụng hiệu quả nguồn vốn FDI.

Mức độ vươn ra thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong cả nước cũng gia tăng chưa đáng kể; Sự kết nối giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế quốc nội còn thấp, dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị phân tán và ít cơ hội được hưởng lợi từ hiệu ứng lan toả của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức…

Điểm cầu nghệ An. Ảnh Mỹ Nga.JPG
Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga

Hội nhập quốc tế là vấn đề chiến lược

Góp ý trong việc đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần nâng cao tuyên truyền, nhận thức cho người dân và doanh nghiệp. Văn bản mới cần làm rõ các thành tố như: đất nước có cơ đồ mới, mục tiêu chiến lược cao, mối liên hệ giữa bảo vệ chủ quyền và hội nhập quốc tế.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau 10 năm thực hiện, nhìn chung có sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động. Kết quả là vị thế chính trị, tiềm lực của đất nước đang nâng cao, quan hệ quốc tế được mở rộng. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 732 tỷ đô la. Thương hiệu quốc tế của Việt Nam được nâng lên, tăng 12 bậc, thuộc nhóm những nước tăng nhanh nhất thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP-Nhật Bắc.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Bên cạnh những thành tựu to lớn mang tính chiến lược, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tính tích cực chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập chưa cao; vai trò của Nhà nước trong dẫn dắt “cuộc chơi” này còn bị động, lúng túng; triển khai các thoả thuận cam kết quốc tế chưa hiệu quả, bị động do thiếu nhiều kinh nghiệm; tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu còn nhiều hạn chế; nhiều chỉ số như cạnh tranh quốc gia, so với các nước ASEAN và khu vực còn có nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại có thể được lý giải do: Việt Nam tiến hành sự nghiệp đổi mới chỉ trong 35 năm; bối cảnh quốc tế biến động nhanh, khó lường; nắm bắt và dự báo tình hình chưa sát sao, kịp thời; nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập còn hạn chế; sự nỗ lực cố gắng của các cấp bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng rút ra 6 bài học kinh nghiệm: Cần nhận thức sâu sắc hội nhập quốc tế là vấn đề chiến lược, vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Đó là việc khó, nhạy cảm, nhưng không thể không làm.

Bên cạnh đó, làm rõ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực trên tất cả các lĩnh vực; Nắm chắc bối cảnh quốc tế và nhu cầu trong nước, hoá giải các vấn đề có tính mâu thuẫn, thách thức; Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; Hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, là bệ đỡ cho nhau, có trọng tâm, trọng điểm; Hội nhập phải thực chất, trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

Trên cơ sở những đánh giá trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản, đánh giá toàn diện giá trị của Nghị quyết số 22; nghiên cứu kỹ các thoả thuận quốc tế, giữ thế chủ động. Đánh giá chính xác đối tác, đối tượng. Cuối cùng, đưa ra bản tổng kết có chiều sâu, nhằm định hình nhiệm vụ, giải pháp để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước.

Tin mới