Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 4 nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 4 nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi số: Phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin.

Chiều 12/7, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ...

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Thế Tùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

img1557-1689149829134395893903.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

CƠ BẢN HOÀN THÀNH CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Luật, 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế cho nhiệm vụ chuyển đổi số.

Về cơ sở dữ liệu, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.

Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt"..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

img1560-16891498290921372035947.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.

Tính đến hết ngày 30/6, đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ.

Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.

bna_IMG_6912.jpg
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng…

TẠO RA GIÁ TRỊ CHO CHÍNH PHỦ, DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%.

Đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có 15/20 bộ, cơ quan và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, đạt 92,77%.

ngoc-16891508197861046783708.jpg
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Công an đã ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho CIC tổng số 41 triệu dữ liệu; thí điểm cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân; triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đã có 27.923 cơ sở lưu trú được làm sạch với 14.179 công dân sử dụng.

Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành tư pháp, lao động thương binh và xã hội để cắt giảm các thủ tục hành chính, người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Với ứng dụng VNeID, hoàn toàn có thể để người dân tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa.

Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỉ lệ cao, hàng năm, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt".

bna_IMG_6946.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đến nay đã thu nhận trên 48 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. 63/63 địa phương hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Bộ Công an đã phân tích dữ liệu 42.000 người trên 100 tuổi trên cả nước cho Hội Người cao tuổi Việt Nam, phục vụ thực hiện chế độ chính sách, an sinh xã hội cho công dân được chính xác, đảm bảo.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực, điển hình như làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng. Xác thực, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện nổi bật trong thời gian qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, sáng tạo và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

ƯU TIÊN 4 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau.

img1564-16891498290531212422017.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Trong thời gian qua, nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả tích cực, gồm: Hoàn thiện thể chế; nâng cao nhận thức; từng bước hoàn thiện hạ tầng; nguồn lực được đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất, con người.

Chuyển đổi số cũng tạo ra các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tăng trưởng quốc gia, phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, đây là những kết quả bước đầu, vẫn chưa hài lòng và còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ này thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa, quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, vượt qua rào cản, vượt qua tư duy bảo thủ.

bna_IMG_6943.jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trên quan điểm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành; do nguồn lực có hạn nên chọn việc có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên để thực hiện. Trong đó, ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu; ưu tiên đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; ưu tiên phát triển hạ tầng các nền tảng số; ưu tiên đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực con người, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt, tồn tại, hạn chế; Làm sao cơ sở dữ liệu phải phong phú, đầy đủ, bao trùm với tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống".

Mặt khác, xây dựng kinh tế số là động lực, xã hội số là nền tảng, văn hoá số góp phần cấu thành văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Chuyển đổi số phải hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong quá trình triển khai phải hợp lòng dân, được người dân ủng hộ.

bna_IMG_6962.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng cũng yêu cầu huy động nguồn lực, huy động cả xã hội tham gia một cách đồng bộ, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó. Chuyển đổi số phải có tính liên thông, liên kết, việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia là giải pháp hữu hiệu để hình thành cơ sở dữ liệu chung.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường giám sát, kiểm tra; phân bổ nguồn lực; nâng cao năng lực thực thi của các cấp được phân quyền.

bna_IMG_6954.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Nhấn mạnh Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát; đẩy mạnh thí điểm với tinh thần tích cực, chủ động. Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, vì trách nhiệm chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số và triển khai thực hiện Đề án 06 và yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thể hiện trách nhiệm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị.

Tin mới