Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với các dự án đã và sắp khởi công, nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thì mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 sẽ hoàn thành.

Sáng 18/6, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công đồng loạt ba dự án giao thông trọng điểm liên kết vùng khu vực phía Nam gồm đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM và hai tuyến cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM và hai tuyến cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, rất vui mừng tham dự lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quốc gia với tổng chiều dài 247 km; tổng vốn đầu tư hơn 115.000 tỷ đồng được đồng loạt tổ chức tại 3 điểm cầu: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk.

“Đây là chuỗi các dự án trọng điểm ngành Giao thông được khởi công trong tháng 6 này. Hôm qua (17/6), chúng ta đã khởi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tới đây, ngày 25/6 là dự án đường vành đai 4 - Vùng Hà Nội với chiều dài trên 112 km có tổng mức đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu với chiều dài 27 km, mức đầu tư trên 5,8 nghìn tỷ đồng nối 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc. Trong khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Mục tiêu đến 2025, cả nước cần đạt được 3.000 km và năm 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000 km đường cao tốc.

"Như vậy, trong giai đoạn 9 năm từ 2021 đến 2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm qua. Từ năm 2021 đến nay, cả nước khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Hiện nhiều dự án đường cao tốc đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756 km. Nếu quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết hiện nay, nhiều dự án đường bộ cao tốc đang được Bộ GTVT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đó là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

3 cơ chế đặc thù giúp đẩy nhanh tiến độ

Theo Thủ tướng, hôm nay, tại TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu và Đắk Lắk cùng khởi công 3 dự án cao tốc gồm Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là các dự án áp dụng cơ chế đặc thù riêng như đẩy mạnh phân cấp phân quyền, Trung ương giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị.

Để triển khai các dự án, ngoài nguồn vốn, các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, sự ủng hộ, chia sẻ của người dân, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung nên công tác giải phóng mặt bằng của cả 3 dự án cơ bản đảm bảo tiến độ.

“Tôi biểu dương TP.HCM, trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87%, đây là kỳ tích từ trước đến nay do tính chất phức tạp trong giải phóng mặt bằng qua nội đô, quy mô đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân...”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh các cấp, các ngành, nhất là Bộ GTVT và các địa phương có dự án đi qua đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng,…

Thủ tướng cho rằng, kết quả hôm nay là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức như phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác; thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết...

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các dự án phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm sai phạm.

Tin mới