Thủ tướng sẽ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư - nhấn mạnh: Sự quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm phấn chấn lòng người.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Ảnh: X.HẢI
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Ảnh: X.HẢI

- Thưa ông, tại phiên họp thường kỳ diễn ra đầu tháng 5.2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ông có ý kiến như thế nào về phát biểu trên của Thủ tướng?

- Tôi có thể nói phát biểu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một phát ngôn làm cho quảng đại nhân dân phấn khởi. Lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như vậy là hợp lòng dân và cũng là điểm chốt hiện nay cần tháo gỡ. Mọi công bộc của dân phải thực hiện, cũng như toàn bộ hệ thống chính trị phải thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan hành pháp không phải chỉ có Chính phủ mà còn chính quyền các cấp, nhưng trước hết Chính phủ cần phải làm gương.

Như vậy, tuyên bố của Thủ tướng tôi không dùng từ nức lòng mà dùng phấn chấn lòng người. Bấy lâu nay, chúng ta cũng có nhiều tuyên bố, nhưng khi vào thực hiện thì bộ máy không thực hiện đúng như lời tuyên bố hay thường nói không đi đôi với làm. Trong trường hợp này, Thủ tướng là người nói đúng tâm huyết của mình, nhưng mình Thủ tướng không đủ mà phải cả tập thể Chính phủ, sau đó các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và cơ quan ngang bộ, sau đó đến các địa phương đều phải thực hiện điều mà Thủ tướng đã phát biểu.

- Để quyết tâm của Thủ tướng thực sự nói đi đôi với làm, theo ông cần phải có những biện pháp như thế nào?

- Chúng ta cũng đã có những quy định pháp luật để xác định xem một người cán bộ phải làm gì để xứng đáng là công bộc của dân. Tinh thần ấy phải đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn, rà soát toàn bộ đội ngũ, xem có bao nhiêu “ông vua con” và phải quyết tâm loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy như lời của Tổng Bí thư đã phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận mới đây.

Chúng ta đã tiến hành đại hội Đảng các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội cũng vừa xong, tôi cho rằng phải xem xét tư cách các đại biểu đã trúng cử, cần rà soát xem ai xứng đáng và ai không xứng đáng, nếu không xứng đáng thì mạnh dạn loại bỏ, chứ không phải được phiếu cao là đủ. Trước tiên, phải xem xét các đại biểu phải là những người trong sạch và hết lòng phục vụ nhân dân.

Trên cơ sở đó phải tuyển chọn những người vào cơ quan hành pháp, từ Chính phủ cho đến xã, phường. Đừng vì nể nang, đừng vì sợ cái gì đó, phải làm nghiêm từ trên xuống. Đó là việc trước mắt cũng là việc lâu dài. Phải có một Chính phủ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu và sẽ hoạt động 
hết mình.

Sau đó, phải có chế độ kiểm tra thường xuyên. Các cấp ủy, các tổ chức phải vào cuộc, cơ quan về công tác cán bộ phải rà soát lại hết, xem xét đơn thư tố cáo, phản ảnh mà báo chí nêu. Thẳng thắn, nghiêm túc lắng nghe dân và đi đến đội ngũ cán bộ hành pháp các cấp, đại diện cho dân tham gia Quốc hội cho đến Hội đồng nhân dân phường, xã phải là những người thật trong sáng.

- Vậy thưa ông, làm thế nào để cán bộ thực sự gần dân hơn nữa?

- Tôi cho rằng, để cán bộ gần dân thì phải tổ chức lại lề lối làm việc để hằng ngày nhận được các thông tin của dân. Mỗi cá nhân đồng chí lãnh đạo phải có đường dây nóng, có email. Tuy nhiên, việc này có tổ chức, có bộ máy giúp việc nhận điện thọai, thư điện tử và tổ chức tiếp dân trực tiếp. Phải chọn những người thật sự có đức, có tài để tiếp dân. Bản thân những người có trách nhiệm phải định kỳ tiếp dân, thậm chí trực tiếp đọc thư 
của dân.

Giải quyết việc thắc mắc của dân phải rõ ràng, không có kiểu “con kiến leo cành đa”, không giải quyết theo kiểu đá quả bóng hết sân này sang sân khác. Điều đó làm nản lòng của nhiều người tâm huyết. Bên cạnh đó, cũng phải giáo dục cho người dân tinh thần xây dựng, người dân nào lợi dụng chuyện lãnh đạo tiếp dân, công bố đường dây nóng để làm việc xấu phải phê phán và cần xử lý theo pháp luật. Một đất nước dân chủ nhưng cũng phải có kỷ luật, kỷ cương. Không phải dân chủ là vô chính phủ. Trước mắt nên làm những chuyện đó.

Lãnh đạo cần có cuộc vi hành, đi không ai biết, đến không ai hay thì mới biết được dân như thế nào, từ đó sẽ hiểu dân và có kế hoạch, định hướng tháo gỡ cho dân, chứ không phải đi theo kiểu “cờ giong trống mở” đến tiếp xúc ở các hội trường rợp cờ hoa 
khẩu hiệu.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lao động

TIN LIÊN QUAN

Tin mới