Thường xuyên ợ nóng là biểu hiện của bệnh gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức hoặc vùng bụng trên, thường do sự trào ngược acid trong dạ dày lên thực quản, kèm theo vị đắng trong cổ họng hoặc miệng. Vậy ợ nóng là biểu hiện của bệnh gì?

Triệu chứng ợ nóng thường xảy ra khi ăn quá nhiều, ăn tối muộn, trong khi cúi hoặc nằm xuống. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 90% nguyên nhân gây ợ nóng rát cổ là do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, sỏi mật, bệnh tim mạch,… cũng có thể gây ra triệu chứng ợ hơi nóng cổ.

Sau đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng ợ nóng:

- Do thói quen ăn uống, sinh hoạt

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược acid gây hiện tượng ợ nóng.

- Do ăn nhiều chất béo, ăn quá no: Ăn quá no hoặc tiêu thụ nhiều chất béo khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày dễ sinh khí, một phần hơi này sẽ bị đẩy ra ngoài qua đường thực quản. Khí này thường chứa acid dạ dày, khi đi qua thực quản và họng sẽ gây cảm giác nóng rát khó chịu.

cach-an-che-bien-bao-quan-ot-169-16555667794852079789706-8754.jpg
Ăn nhiều thức ăn cay nóng có thể gây ợ nóng.

- Do ăn đồ uống có gas, cồn, thức ăn cay nóng: Thực phẩm kích thích như thức uống có gas, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng, trà đặc, trà bạc hà,… có thể khiến dạ dày tiết acid nhiều hơn. Thêm vào đó tình trạng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở những người cơ vòng thực quản giãn, khí hơi cùng acid dư thừa dễ dàng bị đẩy lên thực quản gây ợ nóng rát cổ họng.

- Do tác dụng phụ của thuốc

Nếu mắc các bệnh lý cần điều trị bằng thuốc thì có thể bị ợ nóng. Ví dụ nhóm thuốc điều trị như Glucocorticoid, thuốc chống viêm nhóm NSAID có thể làm mỏng dịch nhầy dạ dày, tạo điều kiện cho acid dịch vị tiếp xúc niêm mạc dạ dày, kích thích hệ thần kinh chi phối co bóp dạ dày. Khi dạ dày bị rối loạn co bóp dễ khiến thức ăn và acid trào ngược lên thực quản, người bệnh sẽ triệu chứng ợ nóng, ho, rát họng,…

Ngoài ra, ợ nóng còn là biểu hiện của một số bệnh như:

- Bệnh viêm loét dạ dày

Nếu mắc viêm loét dạ dày sẽ khiến hoạt động tiêu hóa thức ăn bị suy giảm, làm tăng tiết acid dạ dày bất thường, thần kinh bị kích thích làm rối loạn nhu động co bóp dạ dày, dẫn đến hiện tượng trào ngược, gây ra triệu chứng ợ nóng liên tục.

loet-da-day-ta-trang-4-16583857884182071972756-7495.png
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là nguyên nhân gây ợ nóng.

- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Khi mắc trào ngược dạ dày – thực quản gây ra bởi sự kết hợp của yếu tố như: Dạ dày tăng tiết acid dịch vị bất thường, chức năng co thắt thực quản dưới bị suy giảm và rối loạn nhu động dạ dày. Khi đó, dịch vị dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, khiến người bệnh gặp triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau rát thượng vị…

- Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới

Nếu mắc rối loạn chức năng cơ thắt thực quản thì cơ thắt thực quản dưới yếu hoặc mất trương lực sẽ không đóng lại hoàn toàn sau khi thức ăn vào dạ dày, khiến acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản gây ợ nóng.

- Rối loạn nhu động ruột

Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn được di chuyển qua đường tiêu hóa nhờ các cơn co thắt nhịp nhàng gọi là nhu động ruột. Khi bị rối loạn nhu động ruột, những cơn co thắt này sẽ diễn ra bất thường. Lúc này, thức ăn ở dạ dày không đổ xuống ruột non nhanh như bình thường. Sự kết hợp của các yếu tố như: thức ăn tồn, sự gia tăng áp lực trong dạ dày do chậm làm rỗng sẽ làm tăng acid dạ dày trào ngược lên thực quản.

- Bệnh mạch vành

Nếu mắc bệnh mạch vành, khi người bệnh bị đau ngực do bệnh lý tim mạch, các xung động thần kinh trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích khiến quá trình tiêu hóa ở dạ dày bị rối loạn, acid dịch vị bị đẩy lên thực quản, khiến bệnh nhân thường xuyên gặp ợ nóng cổ họng.

- Ung thư dạ dày

Nếu mắc ung thư dạ dày khi đó dạ dày không thể làm tốt chức năng tiêu hóa, dẫn tới người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như: ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, chướng hơi…

Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây ra tình trạng ợ nóng. Theo nghiên cứu, tình trạng ợ nóng xuất hiện ở khoảng 80% phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố kết hợp với việc gia tăng áp lực lên vùng bụng do thai nhi ngày càng phát triển. Khi lượng hormone progesterone tăng cao làm giảm trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới và làm chậm nhu động dạ dày, khiến thức ăn bị ứ đọng, sinh hơi và thoát ra đường miệng kèm theo acid dịch vị, dẫn đến triệu chứng ợ nóng khi mang thai.

Tóm lại: Ợ nóng là vấn đề hay gặp, nếu do các nguyên nhân thói quen ăn uống, sinh hoạt thì cần điều chỉnh từ đó sẽ giảm được các triệu chứng khó chịu. Người bệnh cần tránh mặc quần áo bó sát, gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản dưới. Tránh các loại thực phẩm dễ gây ra chứng ợ nóng như: thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chiên rán, trái cây có hàm lượng acid cao như cam, quýt, chanh,…

Cần tránh nằm ngay sau khi ăn, hoạt động nhẹ nhàng hoặc ngồi nghỉ sau khi ăn. Tránh ăn muộn, ăn khuya, ăn trước khi đi ngủ. Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân sẽ gây áp lực lên ổ bụng, đẩy dạ dày lên và khiến trào ngược lên thực quản. Đối với các trường hợp không đỡ và kéo dài cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.


Tin mới