Tiêm kích tàng hình F-35C Mỹ có nguy cơ vô dụng vì tên lửa diệt hạm Nga, Trung

F-35C không đủ tầm hoạt động để tung đòn đánh hiệu quả khi tàu sân bay Mỹ phải rời xa bờ biển đối phương để tránh tên lửa diệt hạm.
 Tiêm kích F-35C thử nghiệm trên tàu sân bay năm 2017. Video: US Navy
"Dù khả năng tác chiến tàng hình của hải quân Mỹ được tăng đáng kể nhờ việc biên chế tiêm kích hạm F-35C, loại máy bay này cần được tăng tầm hoạt động để có thể tiêu diệt các mục tiêu cần thiết" -Task and Purpose dẫn báo cáo của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.

Trong báo cáo dài hơn 600 trang về Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2019, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ kết luận: Biến thể trên hạm của tiêm kích F-35 khó lòng tiếp cận nhiều mục tiêu nếu không được tiếp dầu trong các cuộc chiến tranh tương lai.

Lý do là tàu sân bay Mỹ có thể phải giữ khoảng cách ở xa lãnh thổ đối phương, tránh đi vào tầm bắn của tên lửa diệt hạm trong biên chế Trung Quốc và Nga.

"Vấn đề từ tên lửa hành trình diệt hạm không phải mới. Hàng loạt khó khăn trong quá trình phát triển dòng F-35 khiến thiết kế của nó bị tụt hậu gần 20 năm, không theo kịp các mối đe dọa mới nổi", Dan Grazier, học giả thuộc Dự án Giám sát Chính phủ, đánh giá.

Cách đây gần 10 năm, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D, loại vũ khí được ví như "sát thủ diệt tàu sân bay" với tầm bắn 1.500 km, và đang hoàn thiện hệ thống chỉ thị mục tiêu cho tên lửa này.

Nga cũng biên chế tên lửa tổ hợp diệt hạm siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal với tầm bắn tối đa tới 2.000 km. Những tiến bộ của Nga và Trung Quốc khiến tàu sân bay Mỹ phải hoạt động cách chiến trường hơn 1.800 km nếu nổ ra xung đột giữa các cường quốc trong tương lai.

Nếu kịch bản này xảy ra, tiêm kích hạm F-35C với bán kính tác chiến chỉ 1.240 km sẽ phải tiếp dầu trên không để có thể tấn công mục tiêu. Hoạt động tiếp dầu này có thể khiến những chiếc F-35C mất ưu thế tàng hình, do đối phương có khả năng theo dõi các máy bay tiếp dầu có kích thước lớn và chậm chạp.

Tiêm kích tàng hình F-35C Mỹ có nguy cơ vô dụng vì tên lửa diệt hạm Nga, Trung ảnh 1

Tiêm kích F-35C trên tàu sân bay USS Nimitz năm 2014. Ảnh: US Navy.

Ngay cả khi hoạt động tiếp dầu diễn ra cách xa chiến trường, hệ thống radar phòng không và máy bay không quân đối phương vẫn có thể phát hiện phi cơ Mỹ trong bán kính hàng trăm km, chuyên gia Bryan Clark từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CBSA) nhận định.

Hải quân Mỹ có thể điều tàu sân bay áp sát lãnh thổ đối phương và sử dụng các hệ thống phòng thủ để đánh chặn tên lửa hành trình diệt hạm, nhưng việc này có thể gây nguy hiểm quá mức cho chiến hạm trị giá hàng tỷ USD cùng 6.000 người trên tàu.

Lầu Năm Góc dự tính mua 2.456 tiêm kích F-35 ở cả ba biến thể dành cho hải quân, không quân và thủy quân lục chiến, trong đó hải quân Mỹ dự kiến biên chế 273 chiếc F-35C.

Tin mới